Y Pốt Niê không chỉ bán cà phê mà còn “bán” cả câu chuyện và những giá trị tinh túy về văn hóa của người Ê-đê
Thương hiệu Ê Đê Café là “đứa con đầu lòng” của Y Pốt Niê - một startup người dân tộc Ê-đê. Và Y Pốt Niê không chỉ bán cà phê mà còn “bán” cả câu chuyện và những giá trị tinh túy về văn hóa của người Ê-đê.
Đưa cà phê Ê Đê ra toàn cầu
Y Pốt Niê là người con dân tộc Ê-đê, thuộc huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Từ khi còn nhỏ, được chứng kiến và thưởng thức cà phê rang xay thủ công của ami ama (cha mẹ - theo tiếng dân tộc Ê-đê), tình yêu cà phê dần lớn lên trong anh. Từng theo học ngành Y và đi làm ở bệnh viện nhưng Y Pốt Niê quyết định gác lại để phát triển ngành trồng và kinh doanh cà phê của gia đình. Tạm dừng việc kinh doanh sau 3 tháng thành lập vì đại dịch Covid-19, Y Pốt Niê tập trung vào việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững, cách sản xuất, vận hành. Anh cho biết, mình đang sở hữu vùng nguyên liệu dồi dào với 10 hecta cà phê của gia đình và 50 hecta liên kết với các anh chị mình trong buôn làng.
Đến năm 2022, thương hiệu Ê Đê Café của anh chính thức thương mại hóa trở lại, phân phối qua các quán cà phê, các đại lý và các kênh trực tuyến, đạt được doanh thu 7,5 tỷ với lợi nhuận là 1,2 tỷ. Tính từ đầu năm 2023 đến thời điểm lên Shark Tank gọi vốn, Ê Đê Café đạt được doanh thu 10 tỷ, lợi nhuận 1,6 tỷ. Ngoài ra, thương hiệu này cũng đã có các đơn hàng tại nước ngoài như Đức, Canada. Nhắm đến mục tiêu xuất khẩu để đẩy mạnh sản phẩm ra toàn cầu nhưng Y Pốt Niê nhận thấy khả năng còn nhiều hạn chế trong việc kinh doanh, anh đến Shark Tank tìm một nhà đầu tư đồng hành phát triển thương hiệu. Số vốn anh kêu gọi là 5 tỷ cho 10% cổ phần.
Theo tiết lộ của nhà sáng lập Y Pốt Niê, cà phê của công ty anh được rang thủ công theo công thức riêng, có mùi khói đặc biệt. Công thức và hương vị đặc biệt đó được hình thành từ “chất Ê-đê” đậm đặc trong con người Y Pốt Niê. Đó cũng chính là điểm thú vị trong mô hình kinh doanh của startup này. Y Pốt Niê đang không chỉ bán hạt cà phê mà còn gói ghém trong đó cả những câu chuyện, giá trị tinh túy về văn hóa của người Ê-đê. Có thể nói, đó là một sản phẩm cà phê có hương vị đậm chất cà phê thứ thiệt và có màu sắc đậm chất văn hóa địa phương. Nhìn ở góc độ học thuật về làm thị trường, đó chính là điểm khác biệt, thậm chí là điểm độc tôn duy nhất mà bất cứ sản phẩm nào, thương hiệu nào muốn tồn tại trên thị trường cũng cần nhưng không dễ mà có được.
Ít ai biết, đằng sau thành công mà Y Pốt Niê có được như ngày hôm nay là những khó khăn, thách thức khi anh bắt đầu khởi nghiệp
Trung thực và đặt chất lượng lên hàng đầu
Trò chuyện với Y Pốt Niê vào đúng ngày anh khai trương cửa hàng cà phê thứ hai, Y Pốt Niê tỏ ra rất phấn khởi, hạnh phúc. Nhắc lại lý do quyết định dấn thân vào thị trường cà phê Việt – vốn là mảnh đất có rất nhiều ông lớn tham gia, Y Pốt Niê chia sẻ: “Tôi may mắn sinh ra và lớn lên trên vùng đất Đắk Lắk, thấy được cây cà phê, thấy được các điều kiện tự nhiên tại vùng đất Đắk Lắk, Tây Nguyên. Ban đầu, tôi không nghĩ đến kinh doanh mà muốn làm việc giúp ích cho cộng đồng, xã hội. Chính vì vậy, tôi theo học ngành Y và đi làm ở bệnh viện. Trong môi trường bệnh viện, tôi đã làm rất tốt và cũng nhận được nhiều lời khen nhưng quả thực, tôi không đủ đam mê để theo đuổi công việc đó. Tôi là người hướng ngoại và luôn muốn bứt phá trong cuộc sống. Tôi muốn được sống với cây cà phê, được ngửi mùi cà phê hàng ngày. Và tôi quyết định xây dựng thương hiệu của mình…”.
Ít ai biết, đằng sau thành công mà Y Pốt Niê có được như ngày hôm nay là những khó khăn, thách thức khi anh bắt đầu khởi nghiệp. Y Pốt Niê nhớ lại: “Đó là một quá trình dài lăn lộn, thực hành và học hỏi phát triển bản thân. Ban đầu, tôi rất sợ hãi vì không biết phải làm như thế nào. Tôi thiếu kiến thức về kinh doanh, không đủ tài chính, phải đi vay mượn tiền, thậm chí vay nóng với lãi suất cao theo ngày. Tôi thất bại nhiều đến mức ám ảnh, gần 20 lần rang cháy cà phê phải bỏ đi, rồi thất bại khi xây dựng bao bì… Tôi đi chào hàng các nơi, bị chủ quán chê cà phê dở, thậm chí họ còn nói thẳng, tôi là người dân tộc, không đủ kiến thức để đi xa như người khác. Những lời nói đó khiến tôi rơi nước mắt. Tôi bị tổn thương vì mình đã làm hết lòng hết sức nhưng khách hàng lại không ủng hộ. Nỗi niềm ấy không thể chia sẻ cùng ai, chỉ một mình làm và hiểu tất cả”.
Cạnh tranh trên thị trường luôn là một bài toán khó đối với người làm kinh doanh, đặc biệt là các startup. Với Y Pốt Niê, anh tự tin với phong cách riêng và làm thủ công hoàn toàn, anh sẽ mang đến bản sắc văn hóa của dân tộc Ê-đê thông qua sản phẩm cà phê của mình. Anh luôn đặt sự chân thật và trung thực, sự cống hiến trong từng sản phẩm để khách hàng có thể cảm nhận. Bên cạnh cà phê vị nguyên chất hòa tan, Y Pốt Niê còn sáng chế một số hương vị cà phê hòa tan mới lạ như cà phê vị sầu riêng, khoai môn…
Sau khi xuất hiện trong chương trình Shark Tank, hiệu ứng Ê Đê Café và hình ảnh của Y Pốt Niê được biết đến nhiều hơn. Nhiều đối tác trong và ngoài nước đã gọi về hàng ngày để trao đổi và hợp tác làm ăn. Y Pốt Niê khoe, hiện anh đang xúc tiến làm việc với các đối tác tại thị trường Thụy Điển, Thụy Sỹ. Y Pốt Niê hi vọng, năm 2024, anh sẽ tiếp tục xây dựng vị thế vững chắc hơn cho thương hiệu Ê Đê Café, để khách hàng cảm nhận nhiều hơn về chất lượng sản phẩm, đồng thời cà phê của anh sẽ mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe cho người tiêu dùng.
“Có thành quả ngày hôm nay là một bước ngoặt và là bài học kinh nghiệm để tôi có thể tư vấn cho những người đi sau. Cảm ơn những khó khăn áp lực, cám ơn sự chê bai và cả những điều không hay. Đó là áp lực nhưng đến giờ, tôi rất vui vì xã hội, gia đình, bạn bè đã chấp nhận tôi” - Y Pốt Niê.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!