Giai điệu tự hào tháng 4: Hùng tráng những bài hát ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh

TL-Thứ bảy, ngày 25/04/2015 09:42 GMT+7

NSND Quang Thọ là một trong những nghệ sĩ tham gia Giai điệu tự hào tháng 4 (ảnh: BTC)

VTV.vn - Giai điệu tự hào tháng 4 được dàn dựng trang nghiêm, hùng tráng qua 6 tiết mục đặc sắc. Trong đó, ca khúc "Người sống mãi trong lòng miền Nam" đang tạm dẫn đầu.

Tối 27/3, chương trình Giai điệu tự hào tháng 4 đã được phát sóng với chủ đề “Người sống mãi trong lòng miền Nam”, hướng đến kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015) và 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015). Chương trình bao gồm 6 tiết mục với những ca khúc đặc sắc, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xen lẫn những tiết mục còn là câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, với những hình ảnh, thước phim trình chiếu về Bác Hồ.

Ca khúc được chọn làm chủ đề cho chương trình - Người sống mãi trong lòng miền Nam - đang tạm dẫn đầu với tỷ lệ khán giả bình chọn cao nhất là 97,20%. NSƯT Quang Lý đã thể hiện cảm xúc da diết qua những lời ca của tác phẩm. Giọng hát nhẹ nhàng, bay bổng của ông đã chinh phục người nghe. Hình ảnh lớn của những bông hoa sen cũng được tái hiện trên sân khấu, càng tạo thêm dấu ấn cho tiết mục.

Tham gia Hội đồng bình luận trẻ tuổi của chương trình, MC – Á hậu Thụy Vân bày tỏ: “Những người trẻ như tôi đã có may mắn khi được nghe các nghệ sĩ gạo cội thể hiện lại những ca khúc, truyền cảm xúc đến thế hệ trẻ”. Ca khúc cũng khiến Thượng tọa Thích Thiện Tâm – trụ trì chùa Khánh Hưng ở Quận 3 (TP.HCM) xúc động, chia sẻ về lễ truy điệu Bác Hồ đầu tiên ở TP.HCM mà cố Hòa thượng Thích Pháp Lan tổ chức.

Ca khúc Lời ca dâng Bác do ca sĩ Kiều Anh thể hiện cũng nhận được lượng bình chọn cao từ khán giả là 96,36%. Đặc biệt, trong tiết mục, hình ảnh cây vú sữa mà Bác Hồ từng trồng đã được tái hiện. Tiến sĩ Trần Viết Hoàn – nguyên giám đốc khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, từng là lính cận vệ của Bác khẳng định, hình ảnh cây vú sữa là hình ảnh thiêng liêng, thể hiện tình cảm gắn bó giữa Bác và người dân miền Nam.

Hình ảnh cây vú sữa được tái hiện trong chương trình.

Hình ảnh cây vú sữa được tái hiện trong chương trình.

Bên cạnh đó, nổi bật còn có ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, được sáng tác từ năm 1960. Ca khúc đã được biểu diễn qua giọng ca của NSND Trung Kiên. Trên sân khấu, hình ảnh Bác Hồ còn được tái hiện qua tranh cát sống động. Dù ca khúc nhận được lượng bình chọn thấp hơn là 94,54% nhưng đối với TS khoa học Đoàn Hương: “Đây là một trong những nhạc phẩm hay nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ca khúc được mở đầu bằng câu hò, nhưng tổng thể lại là nhạc giao hưởng”.

Trong khi đó, Người là niềm tin tất thắngTiếng hát từ thành phố mang tên Người là hai ca khúc nhận được tỷ lệ bình chọn tương đương nhau, lần lượt là 94,07% và 94,06%. Người là niềm tin tất thắng được NSND Quang Thọ thể hiện trong không khí trang nghiêm, với hình ảnh cờ đỏ sao vàng và những đóa hoa sen. Tác giả của ca khúc – nhạc sĩ Chu Minh – cũng có mặt trong chương trình. Ca khúc được ông sáng tác năm 1969, là thời điểm Bác ra đi, để lại nỗi tiếc thương cho cả dân tộc Việt Nam. Nhạc sĩ – nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Thụy Kha đánh giá cao tác phẩm này: “Thoát khỏi hành khúc tang lễ, ca khúc vẫn thể hiện được nỗi tiếc thương xen lẫn niềm tự hào. Đó là một bước tiến trong sáng tác âm nhạc ở Việt Nam”.

Còn Tiếng hát từ thành phố mang tên Người lại được coi như là món quà bất ngờ trong ngày vui đại thắng của dân tộc, đồng thời thể hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bắc – Nam sum họp một nhà”. Ca khúc vừa được hát với âm hưởng hùng tráng qua giọng ca của NSND Quang Thọ và NSND Trung Kiên, xen lẫn những đoạn làm mới sôi động, vui tươi hơn qua giọng ca của Đông Hùng và Việt Anh. Hơn 700 chiến sĩ có mặt trên khán đài cũng giơ cao hình ảnh cờ đỏ sao vàng, hòa theo lời ca của tác phẩm. Nhà báo Lê Quốc Vinh vô cùng bất ngờ: “Cách hòa âm xen giữa bài hát cho thấy sự hòa nhập thú vị giữa khúc tráng ca và phong cách âm nhạc hiện đại. Tôi nghĩ rằng, ca khúc sẽ có sức sống lâu bền với cả những người trẻ”.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nhiều ca khúc về Người vẫn tiếp tục xuất hiện, trong đó có ca khúc Vào lăng viếng Bác, được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc năm 1976, dựa theo lời thơ của Viễn Phương. NSƯT Thanh Thúy đã thể hiện ca khúc với giọng hát tha thiết. Tiết mục càng sống động hơn nhờ hình ảnh những rặng tre của lăng Bác được tái hiện trên sân khấu. Hình ảnh đó gợi nhiều người nhớ đến ký ức lần đầu tiên đến viếng lăng Bác khi còn nhỏ. Ca khúc hiện đang nhận được 93,14% lượng bình chọn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước