Rất nhiều khán giả vẫn còn nhớ hình ảnh của chị trong các chương trình bình luận quốc tế của Đài Truyền hình Việt Nam, nhưng sau thời gian học thạc sĩ ở Mỹ về chị lại quyết định vào thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện những chương trình mới?
Với tôi, công việc là để thỏa mãn sự đam mê sáng tạo và chinh phục những thử thách. Bên cạnh đó, điều tôi đặc biệt chú ý là những chương trình mình thực hiện có nhận được sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng không. Đến bây giờ, tôi thấy rất vui vì những đóng góp của mình và các cộng sự có ích cho xã hội.
Cả hai chương trình mà chị đang theo đuổi đều rất mới và lạ ở nước ta, khi mới bắt tay vào thực hiện chị có tự tin là mình sẽ thành công không?
Tôi chưa bao giờ đặt vấn đề là mình có tự tin hay không, mà chỉ biết rằng mình bắt buộc phải đi theo con đường này, sau đó tập trung lên kế hoạch thực hiện sao cho đạt hiệu quả tốt nhất.
Sau một thời gian dài theo đuổi cả hai chương trình, có lúc nào chị cảm thấy “đuối” chưa?
Tôi không bao giờ có cảm giác đó, vì tôi luôn biết cân đối công việc với tất cả các thời gian khác của mình. Nếu với tất cả gia đình nhờ mình tìm kiếm người thân hay tìm liệt sĩ mình đều hứa rằng chúng tôi sẽ tìm ra thì chắc chắn mình sẽ không thể nào làm được và mình sẽ cảm thấy “đuối”.
Chúng tôi luôn cố gắng hết khả năng của mình và khi kết quả thu được khả quan hơn mục tiêu đã đặt ra, như thế cũng là rất đáng mừng rồi. Càng ngày, chúng tôi càng tìm ra được những cách đi thông minh hơn.
Hiện giờ, chúng tôi đang có 22.500 hồ sơ đăng ký tìm mộ liệt sĩ, nếu như đi tìm từng liệt sĩ một thì rất khó để đáp ứng được hết các yêu cầu đó. Vì vậy, chúng tôi phải tính theo cụm, theo từng đơn vị, từng ngày, từng trận đánh, từng chiến trường. Làm như vậy, nếu gỡ ra được một liệt sĩ thì sẽ mở ra được 5-7 liệt sĩ cũng hy sinh ngày hôm đó. Với cách làm này, mặc dù cũng chỉ 20-30 liệt sĩ được trả lại tên trong một tháng nhưng cũng còn hơn là không bao giờ họ được trả lại tên.
Chị thấy mình được những gì sau những năm tháng miệt mài theo đuổi 2 chương trình mang tính nhân văn rất cao như Như chưa hề có cuộc chia ly và Trở về ký ức?
Tất cả những công việc làm trong cuộc đời, với tôi, nó giống như những thử thách, mình vượt qua được và làm cho nó hoàn thiện lên thì chính bản thân mình cũng được hoàn thiện lên trong quá trình ấy. Hai chương trình này cũng giống như tất cả chương trình khác mà tôi đã làm.
Tôi cảm thấy may mắn vì đã quyết định triển khai hai chương trình này trong hàng loạt những ý tưởng xuất hiện trong đầu. Nó giúp tôi thỏa mãn được sự tò mò về những vấn đề như, số phận con người, về số mệnh, về lịch sử, tâm lý… đồng thời tôi cũng rất thích sự đấu trí luôn luôn diễn ra trong đầu mình khi đi làm chương trình.
Chị có tin vào tâm linh không?
Tôi rất tin vào những điều thiêng liêng, tôi tin rằng những người thân của mình vẫn đang ở một nơi nào đó và đang dõi theo mình. Còn những cái còn gọi là ngoại cảm và lên đồng thì tôi tuyệt đối không tin. Tôi không bài xích niềm tin của người khác, nhưng với những ai đang tin vào tất cả những cái đó thì họ đang bị lừa. Sắp tới, trên sóng VTV sẽ có một phóng sự chỉ ra rằng ngoại cảm đã lừa người ta thê thảm tới mức nào, thậm chí họ còn lấy xương thú giả làm thi hài liệt sĩ… Và dĩ nhiên có tội ác thì phải có sự trừng phạt, đó là quy luật.
Có bao giờ chị mệt mỏi và nản lòng vì công việc không được như ý
Mệt mỏi thì có nhưng nản lòng thì không. Nản lòng thì không làm được việc, lấy đâu ra sức để đi tiếp. Một người bạn của tôi có nói một câu rằng, con người lúc nào cũng phải giống như cái xe ô tô đồ chơi tự vận hành của trẻ con ấy, khi nó đâm vào tường thì nó lại tự vòng ra tìm một đường khác để đi chứ không bao giờ ngừng lại cả.
Chắc không bao giờ chị cảm thấy bi quan đâu nhỉ?
Tôi không có thời gian để bi quan.
Đi suốt như thế, chị thỏa hiệp với ông xã thế nào?
Chồng tôi cũng làm báo nên rất thông cảm và chia sẻ với công việc của vợ.
Phụ nữ mà quá thông mình thì sẽ khiến cho người đàn ông của mình cảm thấy mệt mỏi, chị có nghĩ vậy không?
Tôi không nghĩ như thế, đã gọi là một người phụ nữ thông minh thì phải biết cách làm cho người đàn ông của mình hạnh phúc.
Người ta thường nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” theo chị để giữ được hạnh phúc thì chìa khóa nằm trong tay ai?
Tôi thấy rất ngạc nhiên rằng tại sao người ta lại đặt ra những quan niệm như thế. Sinh ra trên đời này, mỗi người đã mang một sứ mệnh rồi. Đàn ông hay đàn bà cũng vậy thôi, tạo hóa sinh ra đàn ông và đàn bà cũng giống như cực dương và cực âm, chủ yếu là vì nó hút nhau. Vấn đề ở chỗ, đàn ông hay đàn bà mỗi người đều có một lý do để tồn tại trên đời thì cũng có một lý do để tồn tại trong gia đình. Muốn xây dựng hạnh phúc thì phải cần đến sự cố gắng của cả hai, một người không thể làm được.
‘ Trong chương trình ở Quảng Trị
Để cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình là điều không đơn giản. Một người phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp rất khó có một gia đình hạnh phúc?
Tại sao lại cứ nghĩ rằng phụ nữ say mê công việc thì không thể vun vén hạnh phúc gia đình. Tôi hoàn toàn tin rằng một người phụ nữ thành công trong sự nghiệp cũng sẽ thành công trong gia đình. Vì không thể nào thông mình trong xã hội mà về nhà lại ngốc nghếch được, một người phụ nữ thông minh luôn biết cách làm cho tổ ấm của mình luôn luôn “ấm”.
Nhưng trên thực tế đã có khá nhiều người phụ nữ thành đạt nhưng lại không giữ được gia đình của mình?
Điều đó có lẽ là trong một giai đoạn nào đó họ gặp một vấn đề gì đó và chưa được giải quyết kịp thời. Thật ra thì ai cũng có sự mất câng bằng trong một thời gian nào đó, vì một lý do nào đó hoặc vì một cá tính nào đó.
Chị cân bằng được hai yếu tố đó chứ?
Trong gia đình, tôi là một ngươi phụ nữ không tồi. Theo như chồng tôi nhận xét thì cũng khá đảm đang.
Hình như chị nấu ăn rất ngon?
Chồng tôi cũng thường nói thế.
Nhiều cô gái hiện đại không coi trọng việc bếp núc lắm, họ thường giao việc nội trợ cho người giúp việc hoặc cho gia đình đi ăn tiệm. Theo chị điều đó có ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình không?
Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người mỗi tính, tôi không thể phán xét hay đánh giá chuyện gia đình của người khác được. Tôi là người của thế hệ cũ, ở thời của tôi phụ nữ phải biết làm tất cả mọi thứ, không chỉ nấu ăn mà các môn nữ công gia chánh như đan lát, may vá, thêu thùa, làm bánh, làm mứt… đều phải biết hết. Nấu ăn cho chồng, cho con, cho những người thân của mình với tôi là một niềm hạnh phúc. Tôi luôn làm với tất cả tình yêu thương.
Với con gái Hạnh Duyên
Trong mắt con gái thì chị là một người mẹ thế nào?
Trong mắt con gái tôi thì mẹ là một người mà nó cần phải che chở, vì nhược điểm lớn nhất của tôi là rất hay hoảng hốt trong khi cô nàng này lại rất bình tĩnh!
Chị dạy con theo cách của mẹ hổ hay mẹ Tây?
Tôi không bao giờ quá gò ép con mình, luôn cho nó phát triển một cách tự do thoải mái nhất. Không bắt con vào học một trường danh tiếng mà tìm một ngôi trường nào mà nó có thể được cười thoải mái như khi nó cười ở nhà. Khi đã cho con vào một môi trường như thế đồng nghĩa với việc nó sẽ không vào được đúng khuôn khổ, đúng kỷ luật và cũng không có khái niệm phải cố gắng để học thật giỏi, phải đứng nhất lớp… Nó học theo đúng cách của nó muốn.
Trong mắt mọi người, Thu Uyên là một người phụ nữ mạnh mẽ và đầy bản lĩnh, nhưng trong mắt con gái thì mẹ là người cần phải che chở. Vậy trong mắt chị, mình là một người thế nào?
Tôi không quan tâm mình là người thế nào vì tôi không bao giờ đặt mình vào một quy chuẩn nào hết. Tôi chính là tôi và tôi không giống bất cứ một người nào trên thế giới này. Tôi không làm điều gì vi phạm đạo đức khiến mình phải hổ thẹn với lương tâm, cho nên thấy tôi hạnh phúc vì được là chính mình.
Chị sống thiên về bản năng hay về lý trí ?
Tôi không biết mình sống bản năng hay lý trí, nhưng tôi không bao giờ suy nghĩ nhiều và luôn luôn thể hiện những điều mình nghĩ.
Hạnh phúc với chị là…?
Được là chính mình, làm những gì mình thích. Được yêu thương và được cười nói.
Xin cám ơn chị rất nhiều!