VTV Đặc biệt tháng 7

Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về mang góc nhìn mới từ những điều đã cũ

Lan Chi, Ảnh do nhân vật cung cấp-Thứ sáu, ngày 24/07/2015 06:00 GMT+7

Một cảnh quay để tái hiện câu chuyện của cựu chiến binh Việt Nam trong bộ phim

VTV.vn - “Phim tài liệu Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về là hành trình đi tìm cái mới trong những điều tưởng như đã rất cũ” - nhà báo Thu Hà chia sẻ với VTV News.

Góc nhìn mới từ những câu chuyện quá khứ đầy cảm xúc

Cùng với nhà báo Lê Minh – người ấp ủ đề tài cho Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về, nhà báo Thu Hà (Trưởng phòng Chuyên mục Tiếng Việt, Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài THVN) cũng là người theo sát quá trình làm phim lần này. Nhớ lại khoảng thời gian 3 tuần ghi hình trên đất Mỹ, nhà báo Thu Hà cho rằng khó khăn lớn nhất của chị là việc phân bổ thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ cơ quan và công việc gia đình.

“Cả tôi và anh Lê Minh cùng ở cương vị quản lý, lại cùng một phòng trong đơn vị. Do đó, khi nhận lời tham gia dự án VTV Đặc biệt với bộ phim Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về do anh Lê Minh là chủ ý tưởng đề tài, tôi khá lo lắng vì thời điểm đó, tôi đang nghiên cứu và sản xuất bộ phim Những đứa con của cuộc chiến. Thời gian hai bộ phim sản xuất và hoàn thiện liền kề nhau nên bản thân tôi bị áp lực và căng thẳng. Đặc biệt với Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về, chúng tôi phải dành thời gian cuối tuần để đi ghi hình trong nước bởi các ngày trong tuần phải làm công việc của người quản lý cũng như sản xuất chương trình định kỳ, không thể vắng mặt ở cơ quan.

Thời gian ở Mỹ, ban ngày chúng tôi đi ghi hình, đêm về thì duyệt bài, điều phối sản xuất ở trong nước. Đôi khi, chúng tôi phải tận dụng thời gian di chuyển giữa các địa điểm để xử lý công việc. Mỹ và Việt Nam lệch múi giờ nhưng rất may chúng tôi vẫn hoàn thành được một lúc hai việc. Chúng tôi cũng nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ nhiệt tình, động viên của Lãnh đạo Ban, đơn vị quản lý trực tiếp và gia đình trong cả quá trình làm phim nên có thêm phần yên tâm và động lực” - nhà báo Thu Hà chia sẻ.

Trước khi đến với "Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về", chị còn theo sát và tham gia quá trình sản xuất phim tài liệu Những đứa con của cuộc chiến – bộ phim đã lên sóng VTV Đặc biệt trong tháng 6. Vậy có điều gì đặc biệt hơn trong quá trình làm 2 bộ phim này so với lúc chị thực hiện các chương trình thường nhật?

- Hai dự án phim này khác nhiều các chương trình định kỳ chúng tôi đảm nhiệm bởi nó nằm trong dự án VTV đặc biệt. Đây là dự án mới của Đài THVN triển khai từ đầu năm 2015 với những thách thức đặt ra cho người làm chương trình. Dự án do Tổng Giám đốc Trần Bình Minh trực tiếp phụ trách và như bạn biết có hẳn một Ban Điều hành riêng, gồm các nhà báo có uy tín, đại diện các đơn vị tham gia điều hành. Các tiêu chí đặt ra cho tác phẩm để được duyệt tham gia dự án là: cái mới, tính độc đáo, sự đi đến tận cùng vấn đề hay mang đến cho khán giả truyền hình những thông tin và trải nghiệm quý.

Dự án này là sự tham gia trên tinh thần tự nguyện và đam mê của phóng viên, biên tập viên ở các đơn vị. Do đó, chúng tôi không bị áp lực về "nhiệm vụ". Chúng tôi có thời gian để ấp ủ, nghiên cứu nếu phát hiện ra một đề tài hay, có khi là từ vài tháng hay vài năm, khi nào "chín" sẽ quyết định đăng ký đề tài để Hội đồng thẩm định, thông qua và tiến hành sản xuất. Với cả hai bộ phim Những đứa con của cuộc chiếnKỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về, cả tôi hay anh Lê Minh đều có ý tưởng và theo sát từ ít nhất 2 năm trở lại đây, Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về (2012) và Những đứa con của cuộc chiến (2013). Rất may VTV đặc biệt "ra đời" với cơ chế mở, vậy là chúng tôi có cơ hội để hiện thực hóa ý tưởng ấp ủ của mình.

Cả hai bộ phim này đều đề cập tới mảng đề tài chiến tranh. Đây là mảng đề tài khó và đã được đề cập nhiều cả trong điện ảnh lẫn các loại hình truyền thông đại chúng, trong đó có truyền hình. Khi tiến hành làm phim, chúng tôi đã rất trăn trở là làm thế nào để cả hai bộ phim về chiến tranh không bị lặp lại và đạt được tiêu chí mới, có ý nghĩa gửi tới khán giả VTV.

Tuy nhiên, như bạn đã biết, nhóm làm phim của chúng tôi đều là thế hệ sinh ra sau chiến tranh, chúng tôi không trải qua cuộc chiến nên chỉ có thể cảm được một phần những mất mát, đau thương, vì thế góc nhìn trong hai bộ phim này có thể sẽ "dịu" hơn. Chúng tôi đứng ở giữa hai phía để tạo ra một cách nhìn cân bằng, khách quan và đào sâu tìm hiểu bản chất tâm lý, suy nghĩ của người trong cuộc. Các nhân vật có những câu chuyện chung và cả câu chuyện riêng. Từ đó, chúng tôi rút ra cho mình một góc nhìn mới, cảm nhận và kể lại câu chuyện đó cho khán giả xem truyền hình một cách dung dị, chân thực nhất trong khả năng của mình. Tôi nghĩ, có thể đó là một cách để tìm ra điểm mới trong những điều tưởng như đã rất cũ.

Ê-kíp làm phim (từ trái qua): quay phim Trọng Đức, nhà báo Thu Hà, nhà báo Lê Minh

Trong cuộc trò chuyện trước của tôi với nhà báo Lê Minh, anh đã chia sẻ khá nhiều về những vất vả mà ê-kíp gặp phải khi làm phim "Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về" trong suốt 3 tuần trên đất Mỹ. Được biết, ngoài hành trình đó, ê-kíp cũng thực hiện ghi hình ở Việt Nam. Cả hai quá trình này đọng lại trong chị cảm xúc như thế nào?

- Mỗi bộ phim là một hành trình trải nghiệm. Thú thật, cả hai bộ phim mà tôi may mắn được tham gia thực hiện đều để lại những cảm xúc tuyệt vời. Chưa khi nào tôi cảm thấy có ý nghĩa đến thế khi hoàn thành hai bộ phim với các đồng nghiệp của mình. Lúc nộp băng để phát sóng cũng là lúc kết thúc bộ phim, tôi, anh Minh và quay phim Trọng Đức chỉ biết nói với nhau một câu: "Cảm ơn".

Có thể bạn sẽ không hiểu tại sao chúng tôi lại cảm ơn nhau. Chúng tôi cảm ơn vì đã hoàn thành tâm nguyện của những người trong cuộc, những người đã mất và cả những người còn sống sau cuộc chiến. Chúng tôi cảm ơn vì chúng tôi đã hiểu nhau, đồng cảm và hoàn thành mục tiêu trong suốt cả quá trình làm phim. Bộ phim đã giúp chúng tôi gắn kết để mang đến cho khán giả những điều ý nghĩa.

Với Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về hay cả Những đứa con của cuộc chiến, để đưa bộ phim đến với khán giả truyền hình, chúng tôi đã đọc nhiều tài liệu, gặp các chuyên gia nghiên cứu, các nhà báo để có những kiến thức giúp chúng tôi có nền tảng và hiểu được hoàn cảnh khi làm phim. Từng nhân vật trong phim được chúng tôi lựa chọn là những người đại diện cho những tư tưởng chung, có câu chuyện hay và những cảm xúc riêng rất đặc biệt.

Khi bạn xem phim Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về, ngay từ đầu đã là thông điệp bộ phim gửi tới khán giả: "Đời người là một hành trình, trong đó mỗi người chọn cho mình một con đường để dấn bước. Đây là hành trình hoàn hảo của tạo hóa: thắng - thua, được - mất, khổ đau - hạnh phúc, ra đi hay trở về. Trở về với đất - nơi khởi nguồn của sự sống và cái chết. Trở về quá khứ - nơi khởi nguồn cho hiện tại và tương lai. Đó là sự trở về của lòng tin từng bị đánh mất hay sự trở về của niềm tin cùng sát cánh cho tương lai".

Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về chính là hành trình tìm kiếm sự trở về không chỉ của các kỷ vật mà còn là sự trở về của niềm tin bị đánh mất. Đó là niềm tin, niềm vinh dự của những cựu chiến binh Mỹ từng theo lời hiệu triệu tới Việt Nam để giành lại tự do, dân chủ cho người dân nơi đó. Cuối cùng thì mục đích cao cả mà những thanh niên Mỹ ra trận kỳ vọng lại là những điều sai trái với những lý do được cho là đúng đắn mà họ từng nghe - đến Việt Nam, tước người dân ra khỏi vùng đất họ sinh sống, vùng đất mà cha ông họ từng gây dựng và được chôn cất.

Đó còn là niềm tin được phúc đáp thông tin danh tính của người cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Ý Chí, Quảng Nam khi quyết định trao trả hài cốt phi công Mỹ ông đã từng chôn cất cách đây 50 năm vì nghĩa cử nhân đạo. Ông đã mong mỏi một thông tin từ phía nhà chức trách khẳng định hài cốt của viên phi công đã trở về với đất mẹ của anh chưa cũng như mong mỏi gửi lại 2 kỷ vật con dao và chiếc đồng hồ cho thân nhân gia đình của viên phi công mà ông còn đang lưu giữ. Nhưng suốt 25 năm từ khi trao trả, ông không có một hồi âm.

Đó cũng là niềm tin của nhân vật khi trao cho chúng tôi các kỷ vật, cuốn nhật ký, con dao và chiếc đồng hồ - điều mà chúng tôi không thể nghĩ tới khi thực hiện bộ phim này. Bạn phải hiểu là các kỷ vật đó quý giá với họ như thế nào và chúng tôi không thể đánh mất niềm tin đó vì hy vọng sẽ tắt khi mất niềm tin.

Vậy nên chúng tôi đã quyết định đi tìm những lý do đã tạo nên niềm tin với họ, đi tìm lại niềm tin cho những người còn sống sau cuộc chiến. Chúng tôi đã rất cảm động và không ngờ mong muốn đó của nhóm làm phim lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình ở cả Mỹ và Việt Nam. Hơn 3.000 người đã tham gia vào cuộc tìm kiếm này. Đó là động lực rất lớn cho anh Lê Minh và tôi hoàn thành bộ phim Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về.

Áp lực là điều không tránh khỏi

Đến thời điểm này, khi "Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về" chuẩn bị lên sóng VTV Đặc biệt, chị đang có suy nghĩ gì?

- Như tôi đã đề cập ở câu hỏi trước của bạn, làm VTV Đặc biệt là một thách thức. Mà đã coi là thách thức thì dĩ nhiên có áp lực vì gắn với từ đặc biệt. Từ đặc biệt tạo ra tâm lý chờ đợi để trả lời câu hỏi: "Đặc biệt như thế nào?". Bộ phim chưa lên sóng nên tôi chưa biết khán giả sẽ đón nhận như thế nào, tuy nhiên, bản thân tôi và anh Lê Minh đều thấy mình đã thành công. Thành công là bởi chúng tôi đã có cơ hội tham gia VTV Đặc biệt để được kể những câu chuyện đặc biệt cho khán giả truyền hình. Nó đặc biệt bởi chúng tôi được đặt niềm tin từ nhân vật, niềm tin từ lãnh đạo cơ quan khi trao cho cơ hội được làm những tác phẩm có sự đầu tư công phu.

Kỷ vật của phi công Mỹ được trao trả về một trung tâm lưu trữ tại Mỹ

Vậy cá nhân chị có gặp áp lực khi thực hiện "Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về"? Và hơn nữa, sau khi "Những đứa con của cuộc chiến" mà chị tham gia sản xuất lên sóng, bộ phim lại nhận được những đánh giá khá tốt từ khán giả truyền hình. Chị có sợ khán giả sẽ so sánh, đánh giá khắt khe "Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về" với "Những đứa con của cuộc chiến"?

- Áp lực là điều không thể tránh khỏi nhưng bạn nói sợ bị so sánh thì tôi nghĩ là không. Lý do đơn giản là bởi tôi cảm thấy đã làm những điều tốt nhất có thể với những gì tôi đã có. Mỗi tác phẩm có sự độc lập về nội dung và ý nghĩa riêng. Được đón nhận hay không đón nhận còn là cái duyên. Khán giả sẽ có cảm nhận riêng theo sở thích của mình cho từng bộ phim. Ví dụ như: bạn thích khoa học thì dĩ nhiên các chương trình khoa học sẽ thu hút bạn, còn tôi thích khám phá thì tôi sẽ đón chờ các các chương trình đáp ứng nhu cầu xem của mình...

Quay trở lại với "Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về", ngoài thông điệp hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh, ê-kíp sản xuất còn gửi tới khán giả truyền hình thông điệp gì trong suốt hơn 50 phút phát sóng?

- Một cách rất tự nhiên, thông điệp kết lại bộ phim đưa ra cũng chính là tâm sự của một nhà báo Mỹ khi tham gia hành trình tìm kiếm kỷ vật cùng chúng tôi: “Bỏ qua những gì đã xảy ra trong quá khứ, những người lính từng ở hai bên chiến tuyến vẫn có những điểm chung. Đó là gia đình, tình bạn, tình anh em và hơn cả là tình yêu, sự tôn trọng ở cả hai phía. Chính tình thân và sự tôn trọng giữa hai phía đã thúc đẩy sự hòa giải giữa hai nước Việt Nam - Mỹ”.

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ!

PTL Kỷ vật chiến tranh - Hành trình trở về sẽ lên sóng VTV Đặc biệt vào 21h40 ngày mai (25/7) trên kênh VTV1. Mời quý vị chú ý đón xem!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước