VTV Đặc biệt tháng 7

Hành trình làm phim “Kỷ vật chiến tranh”: Nhiều khó khăn và rất áp lực

Lan Chi, Ảnh do nhà báo Lê Minh cung cấp-Thứ hai, ngày 20/07/2015 06:00 GMT+7

Kỷ vật của phi công Mỹ được trao trả tại trung tâm lưu trữ ở Mỹ

VTV.vn-Theo NB Lê Minh – Phó Trưởng phòng Chuyên mục Tiếng Việt, Ban Truyền hình đối ngoại, ê-kíp thực hiện PTL “Kỷ vật chiến tranh” gặp nhiều khó khăn và rất áp lực.

Mở đầu cuộc trò chuyện với VTV News về hành trình làm phim tài liệu Kỷ vật chiến tranh – hành trình xuyên suốt hai bờ Thái Bình Dương và từ bờ Đông đến bờ Tây nước Mỹ, nhà báo Lê Minh cho biết: “Đề tài này được tôi chú ý từ khoảng tháng 4/2012, khi biết thông tin có một cựu chiến binh Mỹ mong muốn trao trả lại cuốn nhật ký cho gia đình của liệt sĩ Việt Nam. Vào thời điểm ấy, họ đang trong quá trình tìm kiếm gia đình liệt sĩ đó và có nhờ tới sự giúp đỡ của chúng tôi.

Khi cuộc trao trả diễn ra, lúc đó tôi đang là phóng viên thường trú Đài THVN tại Mỹ và đã nhờ các biên tập viên của Ban Truyền hình Đối ngoại hỗ trợ ghi hình. Sau đó, tôi có đến gặp cựu chiến binh Mỹ để làm một phóng sự về cảm xúc của ông rồi không ngừng tự đặt ra những câu hỏi: “Tại sao người cựu binh Mỹ lại lưu giữ cuốn nhật ký đó?”, “Tại sao ông ấy lại nhặt cuốn nhật ký sót lại trên chiến trường?”, “Ông ấy nhặt để làm gì?”, “Tại sao ông lại lưu giữ lâu đến vậy?”, “Tại sao đến bây giờ mới quyết định trao trả?”, “Việc trao trả đó tác động đến ông như thế nào?”... Tôi luôn muốn đi tìm câu trả lời cho mình nên tôi tiếp tục tìm hiểu thêm về yếu tố tâm lý của những người cựu chiến binh Mỹ sau khi từ Việt Nam trở về như: họ có những suy nghĩ gì, họ bị những ám ảnh gì, việc trao trả kỷ vật phải chăng chỉ là mong muốn được trút bỏ gánh nặng…

Tuy nhiên, thời gian đó, công việc của tôi khá bận rộn và quá trình tìm hiểu về tâm lý của cựu binh Mỹ sau chiến tranh Việt Nam cũng chưa thu được nhiều kết quả nên tôi ấp ủ đề tài để thực hiện một bộ phim tài liệu từ đó. Khi trở về Việt Nam và công tác tại Ban Truyền hình Đối ngoại, khoảng đầu năm 2014, tôi có đề xuất đề tài này với lãnh đạo Ban và được khuyến khích thực hiện. Cùng thời điểm đó, Đài THVN bắt đầu triển khai dự án VTV Đặc biệt nên tôi đã cùng các đồng nghiệp bắt tay chuẩn bị thực hiện bộ phim mang tên Kỷ vật chiến tranh”.

Vậy có thể xem đây là nguồn cảm hứng để bộ phim tài liệu Kỷ vật chiến tranh được hình thành?

- Đúng vậy. Đó là điểm khởi nguồn của chúng tôi.

Làm phim về đề tài chiến tranh, hơn nữa đó lại là cuộc chiến đã lùi xa 40 năm và phải lần theo dấu vết của những kỷ vật trên đất Mỹ, dường như cuộc hành trình lần này của ê-kíp có rất nhiều khó khăn?

- Tôi thừa nhận là có rất nhiều khó khăn trong quá trình ê-kíp thực hiện bộ phim này.

Đầu tiên là việc tiếp cận với cựu chiến binh Mỹ - người đã lưu giữ cuốn nhật ký của liệt sĩ Việt Nam suốt 40 năm. Nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp tại Mỹ, tôi đã tìm gặp nhân vật lần đầu tiên vào năm 2012 để làm phóng sự về cảm xúc của ông sau khi cuốn nhật ký được trao trả. Chuyến đi đó khá dài vì ông sống biệt lập trên đỉnh một ngọn núi rất cao, không điện, không nước. Người cựu binh này lại mắc căn bệnh ung thư vòm họng nên sức khỏe không được đảm bảo và chúng tôi phải ghi hình từng đoạn một. Nhưng rất may, gần như ông nhớ mọi chi tiết trong khoảng thời gian tham chiến tại Việt Nam.

Tôi đã phải tốn nhiều thời gian để thuyết phục ông chia sẻ câu chuyện, cảm xúc, suy nghĩ của mình. Sau này, khi ê-kíp sản xuất bộ phim Kỷ vật chiến tranh gồm tôi, nhà báo Thu Hà và quay phim Trọng Đức sang Mỹ ghi hình chính thức tại nhà cựu binh Mỹ ấy, chúng tôi đã làm việc 3 ngày liên tục. Nhân vật không đủ sức khỏe để có thể chia sẻ câu chuyện một cách liền mạch và cảm xúc mà ông bộc lộ qua lời kể cũng khác nhau nên máy quay phải luôn sẵn sàng.

Một cựu binh Mỹ mà ê-kíp tìm gặp trong quá trình làm phim "Kỷ vật chiến tranh"

Thứ hai là khó khăn trong việc tìm hiểu yếu tố tâm lý của cựu binh Mỹ sau khi trở về từ Việt Nam. Dù đã 40 năm trôi qua nhưng cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn có những tác động sâu sắc đối với dư luận Mỹ. Chính vì thế, những người làm công tác cựu binh cũng không mấy cởi mở trong vấn đề tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp xúc với các cựu binh hay tìm hiểu hội chứng sau chiến tranh mà các cựu binh gặp phải bởi họ không rõ chúng tôi sẽ chuyển tải gì trong bộ phim này.

Trước đây, đã có những bộ phim làm về tâm lý cựu binh sau chiến tranh, đào sâu về những mặt trái, những tiêu cực của người lính Mỹ sau khi trở về từ các cuộc chiến tranh, trong đó có chiến tranh Việt Nam. Vì thế các cựu binh Mỹ khá dè dặt khi chia sẻ thông tin. Tháng 10/2014, chúng tôi đã liên hệ với Bộ Cựu binh Mỹ nhưng không nhận được hồi âm nên chúng tôi tìm hiểu vấn đề này thông qua các cuộc tiếp xúc trực tiếp với những cựu binh Mỹ đã từng quay trở lại Việt Nam – những người có thiện cảm với Việt Nam và muốn chia sẻ những câu chuyện của mình.

Đến tháng 4/2015, khi chúng tôi quay trở lại Mỹ để ghi hình chính thức cho bộ phim Kỷ vật chiến tranh, chúng tôi đã yêu cầu lại Bộ Cựu binh Mỹ để được phỏng vấn và rất may họ đã đồng ý chia sẻ thông tin sau khi biết bộ phim được chiếu vào thời điểm nào và mang mục đích gì.

Và hiểu được ý nghĩa của bộ phim, chuyên gia nghiên cứu về tâm lý cựu binh Mỹ mà chúng tôi tìm gặp đã rất cởi mở và mong muốn được tham gia vào chương trình. Sau khi được Bộ Cựu binh Mỹ cho phép, chúng tôi mới được phỏng vấn vị chuyên gia này.

Thứ ba, khó khăn hơn đó là làm sao để tìm kiếm được những kỷ vật. Bởi trong số hơn 16.000 kỷ vật được lưu giữ tại một trung tâm trên đất Mỹ, có không ít những kỷ vật của người lính Việt Nam được những người lính Mỹ nhặt trên chiến trường và đem về. Kỷ vật nhiều là thế nhưng những thông tin liên quan đến chủ nhân của nó lại không nhiều. Điều đó khiến chúng tôi gặp khó khăn khi lựa chọn những kỷ vật để đưa vào phim.

Cũng rất tình cờ, chúng tôi biết được thông tin có một cựu chiến binh Việt Nam muốn trao trả kỷ vật cho gia đình một phi công Mỹ mà ông đã chôn cất trong chiến tranh nhưng ông không biết một chút thông tin cá nhân nào của người phi công đó. Chúng tôi đã nhờ những cựu chiến binh Mỹ và các nhà báo tra cứu tài liệu và cuối cùng đã tìm ra danh tính, nơi sinh của viên phi công nhưng thông tin về gia đình viên phi công lại không có.

Từ tháng 10/2014 đến tháng 5/2015, chúng tôi vẫn tiếp tục liên hệ với phía Mỹ, nhờ cả liên đoàn các gia đình người Mỹ có thân nhân bị bắt giữ và mất tích trong chiến tranh trợ giúp và họ rất nhiệt tình. Họ gửi toàn bộ giấy tờ có được cho Bộ Quốc phòng Mỹ để xác minh thân nhân gia đình viên phi công. Đến gần cuối giai đoạn ghi hình tại Mỹ vào giữa tháng 6/2015, chúng tôi nhận được thông tin về vị trí mộ của phi công Mỹ và đã nhờ những người đồng nghiệp xác minh tính chính xác để có thể tới đó trao trả lại kỷ vật giúp cựu chiến binh Việt Nam..

Như anh vừa kể, có rất nhiều kỷ vật được lưu giữ bên Mỹ, trong đó có cả những kỷ vật của người lính Việt Nam. Vậy trong thời lượng 50 phút của bộ phim này, có bao nhiêu kỷ vật thật đặc biệt được đề cập đến?

- Chúng tôi chỉ tập trung vào 2 kỷ vật chính, một là của người lính Việt Nam và một là của người lĩnh Mỹ. Kỷ vật của người lính Việt Nam thì đã được trao trả, còn kỷ vật của phi công Mỹ chính ê-kíp là những người thực hiện việc trao trả. Trước đó, chúng tôi phải tìm kiếm đầy đủ thông tin về chủ nhân của kỷ vật trong khoảng thời gian từ tháng 10/2014 đến tháng 5/2015. Thông qua 2 kỷ vật đó, bộ phim cũng kể lại một phần lịch sử, kể lại câu chuyện liên quan đến chủ nhân của kỷ vật, những cảm xúc của người cựu binh Mỹ, của cựu chiến binh Việt Nam và cả những người được nhận lại kỷ vật.

Bản thân mỗi kỷ vật chứa đựng rất nhiều câu chuyện mà chỉ nhìn bề ngoài ta không thể biết được. Qua việc trao trả các kỷ vật, chúng tôi mới thấy rõ những mong muốn, tâm nguyện của những người lính Mỹ và người lính Việt Nam. Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng trong họ vẫn có điều gì đó day dứt, mong muốn có sự hòa giải, mong muốn mọi người biết về câu chuyện của những kỷ vật, mong muốn được trao trả kỷ vật, được bắt tay với nhau để cùng chia sẻ, hóa giải những dằn vặt, day dứt và muốn nhắc nhở thế hệ sau cố gắng không để xảy ra những cuộc chiến như vậy, để không một ai phải day dứt, khắc khoải…

Có lẽ đó là những câu chuyện mà khán giả Việt Nam ít biết và sẽ được chúng tôi nhắc tới trong bộ phim này.

Kỷ vật của phi công Mỹ được người cựu chiến binh Việt Nam lưu giữ chính là con dao và chiếc đồng hồ

Kỷ vật chiến tranh là bộ phim thuộc đề tài chiến tranh và dù mang thông điệp hòa giải nhưng vẫn có màu sắc bi thương. Những kỷ vật chiến tranh cũng là thứ gợi cho chúng ta sự đau thương. Vậy những mảng sáng trong bộ phim này sẽ là gì?

- Đúng như bạn nói, bộ phim sẽ có lúc đề cập đến những mảng bi thương – khi nhân vật kể lại khoảng thời gian họ phải đối mặt với thực tế từng xảy ra trên chiến trường. Nhưng điều khán giả cảm nhận được sẽ là sự thanh thản của những người cựu chiến binh ở cả hai phía khi họ trao trả được kỷ vật về với gia đình của người lính cách xa hàng nghìn cây số.

Cùng với đó, khán giả cũng cảm nhận được những người lính ấy đã trút được gánh nặng, nỗi ám ảnh đeo đẳng họ suốt hàng chục năm như thế nào hay được chứng kiến những nụ cười rạng rỡ của nhân vật. Hơn nữa, sự chia sẻ cởi mở của nhân vật về những kỷ vật mà họ mang theo bên mình chừng ấy năm sẽ không mang màu sắc bi thương.

Đó có thể xem là những mảng sáng mà bộ phim Kỷ vật chiến tranh mang tới cho khán giả truyền hình.

Kỷ vật chiến tranh là bộ phim thứ 6 được phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt và cũng đúng dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Trước đó, Những đứa con của cuộc chiến – một bộ phim khác cũng về đề tài chiến tranh – đã được gửi tới khán giả. Vậy trong suốt quá trình thực hiện Kỷ vật chiến tranh và đến tận thời điểm này, có những áp lực nào mà ê-kíp sản xuất phải đối mặt?

- Đúng như bạn nói. Chúng tôi rất áp lực vì đã có tới 5 bộ phim được sản xuất và lên sóng khung giờ VTV Đặc biệt, mỗi bộ phim đều có nét đặc sắc riêng, từ nội dung, nhân vật tới hình ảnh… Có những bộ phim mang tới cho khán giả một góc nhìn mới chưa từng được đề cập, ví dụ như bộ phim Những đứa con của cuộc chiến mà bạn nói. Nên việc làm sao để có được nét đặc sắc riêng cho Kỷ vật chiến tranh chính là điều khiến ê-kíp trăn trở và cũng trở thành một áp lực. Từ rất nhiều câu chuyện, nhiều kỷ vật, phải lựa chọn được những câu chuyện, kỷ vật tiêu biểu nhất đưa vào phim để chuyển tải đúng thông điệp, tạo ấn tượng tốt nhất cho khán giả là sức ép rất lớn của chúng tôi.

Một áp lực khác là vấn đề thời gian. Những cảnh quay cuối cùng được chúng tôi thực hiện vào cuối tháng 6 vừa rồi và phim lại được lên sóng cuối tháng 7 nên ê-kíp chỉ có 1 tháng để hoàn thiện hậu kỳ. Làm sao để bộ phim thật sự ấn tượng, có điều gì đó thật sự đặc biệt, phải chọn lọc được những điều tinh túy nhất để chuyển tải đúng thông điệp luôn là điều ê-kíp suy nghĩ trong thời gian qua.

Gạt áp lực sang một bên, sau quá trình làm việc liên tục và kéo dài đến vậy, cảm xúc đọng lại trong anh lúc này là gì?

- Đây là đề tài làm tôi ấn tượng ngay từ đầu. Trong quá trình thực hiện bộ phim, tôi đã gặp rất nhiều nhân vật, được nghe rất nhiều câu chuyện và mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện lại mang đến cho tôi một cảm xúc riêng. Đó cũng là điều thôi thúc tôi tiếp tục đi sâu nghiên cứu, cố gắng tiếp cận những người cựu binh Mỹ để hiểu được họ cũng như tìm được câu trả lời cho những thắc mắc mà tôi tự đặt ra trước khi thực hiện bộ phim này.

Có nhiều lúc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin nhưng điều đó càng khiến ê-kíp cố gắng, nỗ lực hơn và không nản chí. Quá trình đó giúp tôi, nhà báo Thu Hà và quay phim Trọng Đức hiểu hơn về cuộc chiến, về hậu quả đối với cả hai phía cũng như hiểu được những người cựu binh suy nghĩ gì khi tham gia cuộc chiến và sau khi trở về cũng như hiểu được mong muốn của họ sau 40 năm chiến tranh lùi xa. Đó cũng là những gì tôi cảm nhận được lúc này.

Quay phim Trọng Đức (áo đen) lựa chọn góc quay cho cảnh kết của phim bên bở biển Hawaii

Vậy còn mong muốn của ê-kíp về sự đón nhận của khán giả khi bộ phim lên sóng?

- Trong bộ phim này, chúng tôi không chỉ kể lại những câu chuyện gắn liền với những kỷ vật mà qua đó muốn chuyển tới khán giả thông điệp: "Chiến tranh luôn để lại những vết thương khó lành cho cả hai phía, trong đó có cả vết thương tinh thần. Với nhiều hình thức khác nhau, những người lính từng ở hai bên chiến tuyến giờ đây đang muốn xích lại gần nhau hơn để được giải tỏa những nỗi ám ảnh và cùng hàn gắn vết thương về tinh thần".

Bởi vậy, chúng tôi mong muốn khán giả sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về khía cạnh mà bộ phim đề cập để cùng chia sẻ, cùng hiểu, cùng rút ra bài học. Trong bộ phim này chính là sự chia sẻ với câu chuyện của những người lính. Hy vọng qua Kỷ vật chiến tranh, thông điệp hòa giải sẽ được đông đảo khán giả thấu hiểu.

Chia sẻ thêm với bạn, đến thời điểm này, rất nhiều cơ quan truyền thông của Mỹ đã liên hệ với tôi vì mong muốn kể lại câu chuyện này trên các phương tiện truyền thông của họ. Và tất nhiên là chỉ sau khi Kỷ vật chiến tranh được phát sóng tại Việt Nam. Cũng có những kênh truyền hình đề cập đến việc mua bản quyền bộ phim để phát sóng và có lẽ một ngày nào đó bộ phim này sẽ đến với các khán giả nước ngoài.

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!

Phim tài liệu Kỷ vật chiến tranh sẽ lên sóng khung giờ VTV Đặc biệt vào 21h40 thứ 7 (25/7) trên kênh VTV1. Mời quý vị chú ý đón xem!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước