Phóng viên VTV tại nước ngoài: "Chúng tôi đang chạy"

Cẩm Hà - Hải Yến-Chủ nhật, ngày 22/02/2015 09:06 GMT+7

PV Trần Hà (ngoài cùng bên phải) và các đồng nghiệp (Ảnh: FB nhân vật)

(VTV.vn) - Chia sẻ của các phóng viên thường trú VTV tại một số nước sẽ giúp độc giả có cái nhìn bao quát hơn về những hoạt động của VTV.

Phóng viên Trần Hà: Một năm quay cuồng

Năm 2014 đối với cơ quan thường trú tại Mỹ diễn ra như thế nào?

- Ấn tượng một năm qua của chúng tôi là quay cuồng với những tin nóng (Breaking News) hay những cuộc họp bất thường, có khi vào giữa đêm của Hội đồng Bảo an LHQ. Câu hỏi mà chúng tôi đặt ra trong cả năm qua không phải là tìm đề tài ở đâu mà là giữa một rừng tin nóng, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá diễn ra không ngừng tại New York, chúng tôi sẽ chọn tin nào?

Đôi khi, chúng tôi phải chọn nhiều tin nóng một lúc vì cái nào cũng quan trọng. Có những hôm, tại trụ sở LHQ, chúng tôi vừa theo dõi diễn biến phiên họp, vừa phải liên tục cập nhật để viết tin diễn biến của thị trường chứng khoán. Kết quả hôm đó là kịp làm trực tiếp cho Tài chính Kinh doanh sáng và một tin nhanh về cuộc họp của LHQ phát sóng trong chương trình Chào buổi sáng. Sau đó, triển khai các phóng sự, hoặc dẫn trực tiếp qua hệ thống Streambox cho các bản tin Thời sự trong ngày.

Điều kiện tác nghiệp ở New York của ê-kíp ra sao? Có bắt kịp dòng chảy của các sự kiện?

- Tại New York, việc di chuyển của chúng tôi không hề dễ dàng. Nếu tác nghiệp trong trung tâm thành phố là Manhattan, chúng tôi thường phải đi tàu điện ngầm. Vì nếu đi xe riêng sẽ khó tìm được chỗ đỗ xe. Hoặc nếu có cũng rất đắt. Nạn tắc đường thì thật kinh khủng. Có những hôm, chúng tôi đi taxi đến chỗ hẹn phỏng vấn, quãng đường chỉ khoảng 20 phút đi xe mà đi mất 2 tiếng. Mà bắt taxi vàng thì cực kỳ khó ở New York, dù chưa đến 1 phút có 1 chiếc lướt qua.

Về chuyện có bắt kịp dòng chảy sự kiện không? Bạn xem phim có thấy cảnh người ở New York đi cứ như chạy. Đầu tiên, tôi cũng ngạc nhiên lắm. Đến giờ, tôi cũng đang giống họ, đi như chạy... vì cuộc sống ở đây hối thúc người ta như thế. Họ sợ bị lỡ xe bus, tàu điện ngầm, lỡ buổi họp nào đó. Tôi thì sợ nhất mình đến chậm, không còn chỗ để đặt máy quay.

New York là trung tâm báo chí sôi động bậc nhất thế giới. Mọi nhà báo đều tập trung ở đây. Trong cuộc họp báo quan trọng của Hội đồng bảo an, quay phim Mạnh Chiến nếu không có mặt trước cả tiếng đồng hồ thì không có chỗ đặt máy. Vậy nên, chúng tôi có thể không chạy nhanh bằng người New York nhưng chúng tôi đang chạy. Và không đứng yên, chắc chắn là như thế.

PV Trần Hà - PV thường trú Đài THVN tại Mỹ (Ảnh: FB nhân vật)

Có thể hình dung về hậu trường tác nghiệp của ê-kíp VTV tại New York trong các sự kiện nóng ra sao?

- Tôi xin kể về vụ biểu tình mới đây nhất - một kỷ niệm đáng nhớ. Hàng nghìn người tập trung biểu tình lúc 7h tối (giờ New York). Đến đúng giờ, quay, phỏng vấn xong, chúng tôi đã có một phóng sự, có thể về nhà. Song, với những sự kiện nóng như thế này, chúng tôi muốn có hình ảnh trực tiếp cho bản tin Thời sự thông qua hệ thống Streambox. Nghĩa là, sẽ phải đợi gần 2 tiếng mới có bản tin 9h sáng ở nhà.

Chúng tôi phải di chuyển liên tục cùng họ biểu tình. Máy móc rất nặng, ông xã tôi phải mang giúp. Thế mà cả nhóm vẫn hết sức chật vật. Đoàn biểu tình lại đi rất nhanh. Rất may, ê-kíp ở nhà thấy chúng tôi khá vất vả nên đã đưa thông tin gửi về lên đầu bản tin. Đến giờ tôi vẫn không hiểu sao mình lại khỏe thế. Vì tôi vừa đi, vừa xách máy, phỏng vấn và soạn kịch bản bằng điện thoại để gửi về nhà. Đúp dẫn không đẹp như mong muốn nhưng chúng tôi hài lòng vì đã cố hết sức. Hôm đó, chúng tôi đã chạy nhanh bằng người New York.

Để có những tin tức về bão tuyết ở New York, khi tác nghiệp ê kíp đã gặp khó khăn gì? Làm sao mà bạn đứng dẫn được dưới trời tuyết?

- Chúng tôi di chuyển đến vùng tiếp giáp Canada, nơi tuyết vẫn thường nhiều, mùa đông vô cùng lạnh. Nhưng đợt tuyết vừa rồi là dày nhất trong lịch sử. Tôi ấn tượng nhất là những cuộc ghi hình phỏng vấn người dân ở đó. Tuyết ngập không còn nhìn thấy xe đâu nữa. Chúng tôi quay được cảnh nửa đêm những người dân  không ngủ, thức để xẻ tuyết mở đường ra ngoài. Khi đứng dẫn dưới tuyết, nhiều lúc miệng cứng không sao nói được. Kinh nghiệm của tôi là cố dẫn không vấp ngay đúp đầu. Vì các đúp sau lạnh quá sẽ méo tiếng.

Khi tác nghiệp cùng các đồng nghiệp nước ngoài, Trần Hà đã học hỏi được họ điều gì?

- Tính chuyên nghiệp, độ nhanh nhạy, sắc bén, góc nhìn đa chiều và khả năng đeo bám sự kiện đến cùng. Một điều tôi thích nhất và cố học ở họ đó là góc nhìn và tính chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp thì khỏi phải bàn trong môi trường báo chí cạnh tranh và sôi động như New York. Còn góc nhìn thì tuỳ thuộc vào khả năng của từng nhà báo. Cùng một vấn đề, song mỗi báo, mỗi đài khai thác các khía cạnh khác nhau. Vì họ phải cạnh tranh gay gắt nên luôn phải tìm những nét khác biệt để thu hút độc giả, khán giả. Báo chí ở đây không báo nào giống báo nào. Bởi họ có nguyên tắc, tránh mặc đồng phục cho thông tin!

Phóng viên Hữu Hưng: Nỗ lực mang hơi thở của từng sự kiện

Với những sự kiện lớn năm 2014, các phóng viên VTV Singapore có ấn tượng gì?

- Năm 2014 có rất nhiều biến động ảnh hưởng to lớn tới tình hình kinh tế, chính trị của các nước ASEAN. Có thể kể đến cuộc biểu tình, dẫn đến cuộc đảo chính vào cuối tháng 5 ở Thái Lan; vụ máy bay MH370 của Malaysia bị mất tích vẫn còn bí ẩn, tiếp đến là máy bay MH17 bị rơi; cuộc bầu cử căng thẳng đến phút chót ở Indonesia hay tình hình căng thẳng trên biển Đông mà sóng gió của nó đã làm nóng các Hội nghị ASEAN, đặc biệt là tại các diễn đàn ở Đối thoại Shangrila. Sự kiện này chúng tôi phải dành toàn bộ ngày nghỉ Tết Âm lịch để trực chiến, đưa tin hàng ngày từ Bangkok.

Anh có thể chia sẻ những khó khăn, vất vả khi phải đeo bám các sự kiện?

- Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ, tác nghiệp ở địa bàn ASEAN phải cần đến áo giáp chống đạn, hình ảnh đó chỉ thường thấy ở các phóng viên tác nghiệp tại khu vực Trung Đông, Syria hay Iraq. Tại Thái Lan, chúng tôi đã tiếp cận nơi tập trung của người biểu tình hay đoàn biểu tình trên đường phố. Trước đó, đã xảy ra các vụ ném lựu đạn, xả đạn vào người biểu tình và không ít phóng viên đã bị mắc kẹt giữa súng đạn của cả hai phe.

Hoà mình trong sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng truyền thông khi tác nghiệp tại các sự kiện lớn đã mang lại cho các anh kinh nghiệm và bài học gì?

- Được tham gia vào các sự kiện lớn, sôi động của khu vực, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, trao đổi với các đồng nghiệp đến từ nhiều hãng truyền thông trên thế giới. Thực sự, về công nghệ truyền hình, chúng ta không thua kém, thậm chí một số thiết bị còn hiện đại hơn. Nhưng dù ở trình độ công nghệ nào thì điều lớn nhất chúng tôi cảm nhận được từ các đồng nghiệp quốc tế là lòng yêu nghề, lăn lộn ngày, đêm tại hiện trường để đưa tin. Ngoài ra, chúng tôi có thể học hỏi về mô hình tổ chức của các nhóm phóng viên thường trú ở nước ngoài.

PV Hữu Hưng và hành trình đi tìm người Việt mắc kẹt ở thành phố chết Tacloban (Ảnh: VTV Singapore)

VTV Singapore có vị trí như thế nào trong việc đưa tin, đặc biệt là các sự kiện liên quan đến Việt Nam?

- Các phóng viên quốc tế đã biết đến sự hiện diện của phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam tại khu vực. Đặc biệt, với sự kiện vụ máy bay MH370 mất tích hay tình hình căng thẳng Biển Đông, họ đã tìm đến trao đổi để có cách tiếp cận thông tin đa chiều, chính thống từ Việt Nam. Bên cạnh đó, các Ban tổ chức Hội nghị ASEAN đã biết đến nhóm phóng viên VTV thường trực tại các sự kiện để có sự hỗ trợ trong quá trình tác nghiệp.

Các anh đã gặp gỡ và tiếp xúc với không ít nhân vật đặc biệt. Trong số những người đã gặp, ai để lại cho anh ấn tượng sâu sắc nhất?

- Trở lại thành phố Tacloban - Philippines, nơi 1 năm trước chúng tôi đã ghi lại những thiệt hại mà siêu bão Haiyan gây ra, điều mà chúng tôi ấn tượng là sự chịu đựng bền bỉ của những người dân nơi đây khi phải sinh sống trong điều kiện hết sức khó khăn, nhà cửa chưa có, việc làm bấp bênh nhưng họ không kêu ca phàn nàn mà vẫn cố gắng vươn lên hợp tác với chính quyền.

Nhân vật ấn tượng nhất là bà Bernardita B.Valenzuela, 85 tuổi nhưng vẫn làm việc miệt mài. Bà là người phát ngôn thông tin của chính quyền thành phố, người duy nhất có mặt điều hành tòa thị chính Tacloban trong trận bão Haiyan năm ngoái, khi mà tất cả các nhân viên khác đều ra hiện trường hay phải chạy về nhà cứu người thân. Bà cho biết, suốt 6 ngày kể từ khi bão xảy ra, bà ngồi điều phối hoạt động của tòa thị chính và chỉ ăn mì tôm cầm chừng trong suốt thời gian đó.

Bài học từ bão Haiyan mà bà Bernardita chỉ ra là cơ quan khí tượng cần đưa thông tin cảnh báo làm sao để người dân dễ hiểu và biết phải làm gì với cảnh báo đó.

Ở góc độ nghề, anh có cảm thấy hài lòng với những gì đã làm được không? Mục tiêu của cơ quan thường trú VTV Singgapore trong năm 2015 là gì?

- Tôi chưa bao giờ hài lòng về tin bài trong năm qua, dù số lượng tin bài năm sau tăng hơn năm trước. Tôi luôn thôi thúc phải đổi mới cách đưa tin, để mỗi một chương trình có dấu ấn về nội dung và hình ảnh, nếu không sẽ nhàm chán. Tôi thấy, các chương trình, chuyên mục, bản tin của Đài THVN trong năm qua đổi mới, nhiều đột phá về công nghệ, cách thể hiện. Nếu không đổi mới, chúng tôi sẽ bị tụt hậu trong sự phát triển chung của Đài THVN.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước