PV điều tra nấm không rõ nguồn gốc kể chuyện tác nghiệp

VTV ONLINE-Thứ năm, ngày 06/03/2014 16:57 GMT+7

Ngày hôm qua (5/3), phóng viên Lê Thảo và Lê Tuyển – những phóng viên thực hiện loạt phóng sự điều tra về nấm không rõ nguồn gốc trong siêu thị - đã có cuộc trò chuyện trực tuyến với độc giả VTV Online. Hai phóng viên đã trả lời những thắc mắc của độc giả cũng như có những chia sẻ về quá trình tác nghiệp.

Chia sẻ với độc giả trong cuộc trò chuyện ngày 5/3, phóng viên Lê Thảo nói: “Khi chúng tôi bắt đầu thực hiện phóng sự này, chúng tôi biết nó sẽ có ảnh hưởng đến người dân và thị trường tiêu dùng, vì thế chúng tôi phải cân nhắc rất cẩn thận trước khi thực hiện. Cũng vì lẽ đó, chúng tôi không chỉ điều tra những loại nấm không rõ nguồn gốc mà sẽ cung cấp thông tin về cách phân biệt nấm sạch, nơi người tiêu dùng có thể mua nấm sạch để từ đó. Người tiêu dùng vẫn có thể tiếp tục ăn nấm và các hộ làm ăn chân chính không bị ảnh hưởng tới việc kinh doanh.

Trong những bản tin tiếp theo, phóng sự của chúng tôi sẽ không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra loại nấm bẩn mà chắc chắn sẽ cung cấp thêm thông tin cho khán giả về những loại nấm sạch".

"Chúng tôi hiện vẫn tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng để tìm ra nguồn gốc của những cây nấm” – PV Lê Thảo trả lời cho câu hỏi quá trình điều tra có còn tiếp tục hay không – “Ngoài ra, chúng tôi cũng gửi những mẫu nấm của cơ sở sản xuất Lưu Mai Hương đến Viện kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩn Quốc gia để tìm hiểu xem có hóa chất được sử dụng trong những cây nấm đó không. Khi có thông tin mới nhất chúng tôi sẽ cung cấp cho người tiêu dùng”.

“Điều mà chúng tôi sợ nhất khi thực hiện phóng sự đó là sẽ tạo ra phản ứng đánh đồng các sản phẩm nấm không rõ nguồn gốc với những loại nấm do các cơ sở sản xuất chân chính cung cấp, dẫn đến việc các cơ sở này sẽ kinh doanh khó khăn. Tuy nhiên, nếu như các bạn theo dõi kỹ trong phóng sự, chúng tôi chỉ tập trung phản ánh loại nấm mang thương hiệu Lưu Mai Hương và những loại nấm không rõ nguồn gốc - nấm khó trồng tại Việt Nam như kim châm, đùi gà, ngọc châm... Và đặc biệt, sau loạt phóng sự điều tra, chúng tôi có bổ sung các thông tin tư vấn để người tiêu dùng có thể phân biệt giữa những loại nấm được trồng ở Việt Nam và nấm không rõ nguồn gốc” – Phóng viên Lê Tuyển nói thêm.

Cũng trong cuộc trò chuyện, phóng viên Lê Thảo đã chia sẻ về những khó khăn nhóm phóng viên đã phải trải qua trong quá trình tác nghiệp: “Ngoài những khó khăn ban đầu gặp phải như không thể liên lạc được với số điện thoại của cơ sở sản xuất nấm Lưu Mai Hương, phải tìm đến nhiều cơ sở sản xuất nấm tại Thái Nguyên để xem cơ sở nào phân phối nấm cho Lưu Mai Hương… thì chúng tôi cũng không thể vào được sâu bên trong nơi đóng gói bao bì tại Gia Lâm nên chưa tìm được đích xác nguồn hốc các loại nấm trước khi được thay bao bì”.

“Tiếp đó, việc đi theo người thanh niên đưa nấm tới siêu thị FiviMart cũng khá vất vả, có những lúc chúng tôi mất dấu của anh ta nên tới siêu thị chúng phải khó khăn lắm mới tìm ra được chứng cớ anh ta giao hàng cho siêu thị. Đó chính là chiếc xe chúng tôi đã quay được biển số đỗ trước nhà kho siêu thị”.

Phóng viên Lê Tuyển cho hay: "Khó khăn lớn nhất khi chúng tôi tác nghiệp không phải là thâm nhập vào cơ sở trồng nấm, cũng không phải việc chứng minh siêu thị có bán loại nấm này, mà điều khó khăn nhất đó là buộc những người trong cuộc phải đối diện với khán giả và trả lời những câu hỏi về nguồn gốc của cây nấm".

"Chúng tôi đã lên Lạng Sơn ít nhất hai lần để phỏng vấn Sở Y tế về việc tại sao lại cấp giấy cho cơ sở sản xuất này. Tuy nhiên, người trực tiếp kí những giấy tờ này đã từ chối trả lời. Và nếu bạn dừng ở đó thì sẽ không tìm ra được câu trả lời xác đáng cho khán giả. Do vậy, chúng tôi đã quyết tâm thuyết phục bằng được đại diện của sở Y tế, và kết quả cho những nỗ lực đó đã được phản ánh trong phóng sự của chúng tôi".

Trước những câu hỏi mang tính chất nghề nghiệp, phóng viên Lê Thảo nói trong quá trình thực hiện những phóng sự điều tra cũng có lúc cô cảm thấy “sợ đôi chút”.

“Tuy nhiên, khi nghĩ mình đang làm một việc giúp được cho rất nhiều người thì mình lại có thể tiếp tục làm. Tôi nghĩ tố chất cần nhất của một phóng viên điều tra là dám mạo hiểm để đưa sự thật ra ánh sáng. Bạn cũng biết, điều tra là công việc nguy hiểm nhất của phóng viên, việc bạn dám làm đã là một yếu tố giúp bạn có thể thực hiện được phóng sự điều tra”.

“Là phóng viên Thời sự không nhất thiết cần phải dũng cảm, chỉ cần bạn yêu nghề và mong muốn được mang lại những thông tin hữu ích nhất cho người xem. Khi nghĩ đến những điều đó, có thể bạn sẽ vượt qua được chính bạn. Hơn nữa, bạn nên hiểu rằng, mỗi phóng viên không đơn độc, bởi bên cạnh chúng ta còn có dư luận, đồng nghiệp và sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền” - Phóng viên Lê Tuyển khẳng định.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước