Khám phá khoa học: Những thí nghiệm khổng lồ sẽ được phát sóng 1 số/tuần trên kênh VTV7. Chương trình bao gồm nhiều thí nghiệm khoa học lý thú, nhằm truyền cảm hứng khám phá thế giới xung quanh cho các em nhỏ. Đặc biệt, chương trình có sự góp mặt của Trần Ngọc, chàng MC dí dỏm được nhiều khán giả yêu mến. VTV News đã có cuộc trò chuyện với Trần Ngọc để hiểu rõ hơn về chương trình mới anh tham gia.
Trần Ngọc đảm đương vai trò dẫn dắt "Khám phá khoa học: Những thí nghiệm khổng lồ".
Khám phá khoa học: Những thí nghiệm khổng lồ có phải chương trình khoa học đầu tiên bạn làm người dẫn?
- Đúng vậy, đây là lần đầu tiên tôi đảm nhận dẫn dắt một chương trình giáo dục về khoa học. Trước đó tôi mới chỉ dẫn các bản tin, phóng sự và trò chơi truyền hình. Đặc biệt, đối tượng của chương trình này hướng đến chủ yếu là các em nhỏ nên tôi cảm thấy vô cùng vui và hào hứng. Tôi đã từng học chuyên sâu về khoa học, vật lý và từng nghĩ rằng, một ngày nào đó mình có thể vận dụng lại một số kiến thức được học vào công việc dẫn chương trình. Nhiều thành viên trong ê-kíp cũng bảo tôi rất hợp để dẫn chương trình này.
Với bạn, chương trình này có những điểm khác biệt gì so với nhiều chương trình đã dẫn trước đó?
- Khám phá khoa học: Những thí nghiệm khổng lồ có rất nhiều điểm khác biệt thú vị, không chỉ thú vị về mặt quan sát mà chắc chắn sẽ kích thích trí tò mò và khám phá của người xem. Người dẫn chương trình không đơn thuần chỉ đóng vai trò dẫn dắt khán giả đến với nội dung kiến thức mà còn phải trực tiếp tham gia những thí nghiệm, từ đó thể hiện được sự phong phú và hấp dẫn của những kiến thức khoa học.
Bối cảnh chương trình cũng mang màu sắc khoa học độc đáo riêng, được xây dựng như một phòng thí nghiệm đơn giản. Trong đó, trọng tâm là chiếc bàn hình tròn để tiến hành những thí nghiệm. Đồng thời, các vật dụng thực hành được sắp xếp khắp nơi trong trường quay. Khi dẫn chương trình, tôi vừa chia sẻ kiến thức vừa sử dụng chính các vật dụng đó để làm thí nghiệm.
Từ đó, khán giả sẽ thấy vai trò của người dẫn chương trình là một hành trình trải nghiệm khoa học với nhiều thí nghiệm thú vị. Mỗi thí nghiệm sẽ mang đến kiến thức, bài học lý thú, thúc đẩy các em học sinh cấp 1, cấp 2 tìm tòi, thậm chí các em còn có thể mày mò thử làm lại một số thí nghiệm.
Lần đầu dẫn chương trình khoa học đồng thời phải thực hiện nhiều thí nghiệm khi ghi hình, bạn có gặp khó khăn nào không?
- Mặc dù tôi chưa làm chương trình về khoa học bao giờ nhưng ban đầu, tôi rất tự tin. Tôi nghĩ rằng mình sẽ không gặp vấn đề nhiều vì đã dẫn chương trình khá lâu rồi. Nhưng sau đó tôi nhận ra, cái khó nhất là phải thể hiện được cảm xúc của bản thân khi thực hành các thí nghiệm. Các chuyên gia hướng dẫn đều yêu cầu tôi phải bộc lộ rõ cảm xúc cá nhân như phấn khích, sợ hãi hay tò mò.
Một số thí nghiệm trên lý thuyết có vẻ dễ nhưng lúc làm tôi mới thấy không đơn giản chút nào. Tuy nhiên, từ chính những suy nghĩ ấy, tôi mới đưa ra được cảm xúc chân thật nhất. Vì thế, ê-kíp vẫn hài lòng khi lần ghi hình đầu tiên khá thành công.
Trong quá trình ghi hình, tôi không ít lần làm hỏng thí nghiệm nhưng ê-kíp vẫn giữ lại những cảnh quay đó. Họ muốn khi lên sóng, khán giả vẫn có thể nhận thấy người dẫn đã thực hiện sai ở những bước nào, những người muốn thử sức làm có thể rút kinh nghiệm từ cái sai đó. Tuy nhiên, tôi không được phép để xảy ra nhiều sai lầm liên tiếp. Bởi nếu thí nghiệm nào làm chưa được, ê-kíp phải kiểm tra lại từng vật liệu, quy trình xem chỗ nào chưa đúng, mất rất nhiều thời gian.
Trong số những thí nghiệm đã tiến hành, thí nghiệm nào bạn thấy ấn tượng nhất?
- Tôi vừa sợ hãi vừa thích thú nhất với thí nghiệm về lực hướng tâm. Để đưa ra ví dụ cụ thể nhất, ê-kíp đã dựng một giàn giáo khá cao trong trường quay và treo tôi lên. Tôi phải thực hiện theo yêu cầu là xoay người khi bị buộc dây lơ lửng trên cao, điều đó làm tôi rất chóng mặt. Khi ấy, tôi cảm thấy mình như một diễn viên xiếc vậy. Mọi người trong ê-kíp đã liên tục động viên, giúp tôi thực hiện thí nghiệm thành công.
Đặc biệt hơn, ngày ghi hình hôm đó lại vào đúng sinh nhật tôi. Ê-kíp đã chuẩn bị cho tôi một bộ đồ hình con gấu dù ban đầu, tôi chỉ nói đùa. Nhưng họ muốn làm tôi cảm thấy thoải mái hơn với thí nghiệm "đau tim" này. Buổi ghi hình cuối cùng đã trở thành kỷ niệm đáng nhớ của tôi trong chương trình.
Việc tham gia thực hành những thí nghiệm chắc hẳn cũng làm bạn nhớ đến quãng thời gian đi học?
- Chương trình làm tôi nhớ lại thời đi học vì có rất nhiều kiến thức cấp 1, cấp 2. Trong đó, nhiều điều tôi đã từng đọc trên sách, từng xem trên mạng nên thấy tuổi thơ trở lại với mình.Tôi nhớ cả một số thí nghiệm đơn giản ngày xưa mình từng thử nghịch như lấy kim đâm quả bóng nhưng dùng băng dính dán vào đâu để bóng không vỡ, hay làm thế nào để quả trứng chui được vào trong chai...
Còn bây giờ, những thí nghiệm được thực hành với sự đóng góp từ các chuyên gia nên tôi được làm một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Đối với tôi, phần lớn kiến thức khoa học trong chương trình đều không quá lạ lẫm nhưng cách thể hiện để các em hiểu lại khiến tôi cảm thấy mới mẻ.
Tên gọi của chương trình là Khoa học khám phá: Các thí nghiệm khổng lồ. Vậy ngoài các thí nghiệm đơn giản trên trường quay, có thí nghiệm nào “khổng lồ” được thực hiện bên ngoài không?
- Hiện tại, chương trình chưa có thí nghiệm lớn được thực hiện bên ngoài. Nhưng ê-kíp cũng dự kiến sẽ hướng đến cả những thí nghiệm ngoài trời chứ không chỉ ở trường quay. Trên thực tế, format gốc của Nhật rất nổi tiếng bởi quy mô của chương trình. Khi đến Việt Nam, chương trình mới Việt hóa được 50%. Vì thế, với một số kiến thức đòi hỏi thí nghiệm khổng lồ hơn, ê-kíp phải sử dụng hình ảnh, video từ phiên bản gốc.
Chẳng hạn, khi khám phá về tốc độ của âm thanh, ê-kíp chương trình có nêu định nghĩa và làm những thí nghiệm nhỏ ở trường quay. Còn những thí nghiệm lớn hơn do ê-kíp người Nhật thực hiện sẽ có video thu lại để khán giả theo dõi. Trong phiên bản gốc, ê-kíp của Nhật huy động cả tàu chiến và dàn nhạc giao hưởng để làm thí nghiệm về tốc độ âm thanh.
Trong khi đó, chương trình phiên bản Việt trước hết hướng đến đối tượng chủ yếu là học sinh. Do đó, ê-kíp muốn thực hiện những thí nghiệm nhỏ để các em có thể làm lại được.
Bên cạnh những thí nghiệm, chương trình còn có điều gì tạo nên sức hấp dẫn với các khán giả nhỏ tuổi?
- Mặc dù hướng đến đối tượng chủ yếu là học sinh nhưng tương tự như format gốc của Nhật, chương trình vẫn đưa ra mục tiêu để mọi lứa tuổi khán giả có thể xem được. Thậm chí, người lớn vẫn có thể theo dõi để nhớ lại những kiến thức đã học. Bên cạnh đó, chương trình cũng muốn hướng đến những người yêu khoa học, thích khám phá.
Theo format gốc, người dẫn luôn giao tiếp với nhân vật ảo là một em học sinh. Khi phát sóng trên truyền hình, khán giả sẽ chỉ nghe thấy tiếng mà không bao giờ thấy được hình ảnh của nhân vật đó. Tôi là người dẫn dắt, trực tiếp tham gia các thí nghiệm và trình bày về những kiến thức qua từng thí nghiệm. Còn nhân vật ảo này lại đưa ra các góp ý, trò chuyện với tôi như “Anh làm thế là sai rồi”, “Anh làm lại đi”... giúp cho câu chuyện của người dẫn ở trường quay hay hơn.
Ngoài ra, dẫn chương trình cùng tôi còn có một em nhỏ khoảng 7 - 8 tuổi. Hai anh em cùng “tung hứng”, thay nhau diễn giải kiến thức dành cho khán giả. Qua đó, tôi luôn hứng thú với mỗi lần ghi hình vì được làm việc cùng trẻ em, ê-kíp chương trình cũng toàn những người trẻ sáng tạo. Những điều này tạo nên màu sắc mới cho công việc dẫn chương trình của tôi.
Sự sáng tạo đó cũng là màu sắc mới mà Khám phá khoa học cũng như các chương trình mà VTV7 mang đến cho khán giả trong năm 2016?
- Chúng tôi đều hy vọng như vậy. Tôi thấy khán giả càng nhỏ tuổi càng thích những thứ hấp dẫn, mang nhiều màu sắc. Vì thế, mỗi chương trình dành cho các em luôn đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo và sống động, làm các em thấy thích thú. Từ đó, cách dẫn chương trình cũng trở nên khác biệt hơn, đôi lúc người dẫn còn là người trò chuyện, chia sẻ cùng các em. Quan trọng hơn, chúng tôi đều muốn mang đến những kiến thức, bài học cho các em một cách gần gũi nhất.
Cảm ơn bạn vì những chia sẻ!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!