Ngăn chặn tình trạng tàu nước ngoài buôn lậu xăng dầu trên biển

Nguyễn Sơn-Thứ năm, ngày 07/07/2022 19:24 GMT+7

Tự động phát sau
2
Current Time0:00
/
Duration0:00

VTV.vn - Nhiều tàu chở xăng dầu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam nhằm thực hiện hành vi mua bán xăng dầu trái phép đã bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Để có được những chuyến xăng dậu lậu mang vào nội địa, các tàu buôn lậu của Việt Nam chỉ có một lựa chọn duy nhất. Đó là ra vùng biển giáp ranh giữa các nước trong khu vực, móc nối với các tàu buôn lậu xăng dầu của nước ngoài để thực hiện việc mua bán trái phép nhằm trục lợi bất chính. Trong quá trình chốt chặn tại những khu vực nhạy cảm, thường xuyên xảy ra tình trạng buôn lậu. Lực lượng cảnh sát biển đã nhiều lần phát hiện, bắt giữ các tàu chở xăng dầu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam nhằm thực hiện hành vi mua bán xăng dầu trái phép.

Trong quá trình tuần tra kiểm soát trên vùng biển thềm lục địa phía Nam, lực lượng cảnh sát biển vùng 3 đã phát hiện tàu Siam Varich, quốc tịch Thái Lan đang di chuyển trong vùng biển Việt Nam. Trên con tàu Siam Varich vận chuyển trái phép khoảng 1 triệu 700 nghìn lít dầu DO. Thuyền trưởng thừa nhận mang số dầu này vào vùng biển Việt Nam bán kiếm lời. Ngoài lượng dầu chở theo tàu không có giấy tờ thì 11 thuyền viên trên tàu cũng đều không có chứng chỉ chuyên môn, tàu không có giấy đăng ký, đăng kiểm. Đáng chú ý đây là lần thứ 3, tàu Siam Varich bị lực lượng cảnh sát biển bắt giữ vì hành vi buôn bán dầu trái phép trên vùng biển Việt Nam.

Ngăn chặn tình trạng tàu nước ngoài buôn lậu xăng dầu trên biển - Ảnh 1.

Nhiều tàu trọng tải lớn móc nối với nhau để buôn bán xăng, dầu lậu trên biển

Lợi dụng vùng biển giáp ranh giữa các quốc gia trong khu vực, những con tàu trọng tải hàng nghìn tấn như tàu Arista Leo quốc tịch Singapore đã móc nối với tàu Gladys Luck của Việt Nam, sau đó cập mạn để mua bán xăng dầu trái phép. Tuy nhiên vừa mới chỉ kết nối đường ống, chưa kịp bật máy bơm đã bị lực lượng cảnh sát biển phát hiện bắt giữ. Nếu không kịp thời ngăn chặn, hơn 3 triệu lít xăng sau khi bơm sang tàu Gladys Luck sẽ được chủ tàu tìm cách hợp thức bằng hóa đơn chứng từ khống rồi đem vào nội địa tiêu thụ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Sơn, Đội trưởng đội chống buôn lậu - Bộ tư lệnh vùng cảnh sát biển 1 cho biết: "Các đối tượng có sự chuẩn bị rất chu đáo, kết hợp giữa nguồn hàng chính thống và không chính thống. Khi nguồn hàng chính thống đã được tiêu thụ hết thì sử dụng hóa đơn để lấy thêm hàng không chính thống ở ngoài".

Gía trị của mỗi chuyến buôn lậu xăng dầu quá lớn, có thể lên tới hàng tỷ đồng, vậy nên cũng không ít trường hợp khi bị bắt quả tang, các đối tượng sẵn sàng chống trả, bắt buộc lực lượng cảnh sát biển phải trấn áp bằng vũ khí. Hoạt động trao đổi thông tin giữa các đối tượng buôn lậu trên biển cũng ngày càng tinh vi và khó kiểm soát.

Trước đây, các đối tượng sử dụng bộ đàm hàng hải để liên lạc, tuy nhiên phương pháp này có thể bị cảnh sát biển chặn thu được nội dung liên lạc. Thế nên thời gian gần đây, các đối tượng sử dụng điện thoại vệ tinh như để đảm bảo bí mật và có thể liên lạc ở bất cứ đâu trên Trái đất. Khi gặp cảnh sát biển, các đối tượng ngay lập tức vứt điện thoại xuống biển để tránh bị lộ danh sách các cuộc gọi.

Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng cảnh sát biển vùng 3 đã phát hiện 6 vụ buôn lậu xăng dầu trên biển, bắt giữ 6 phương tiện, thu nộp ngân sách hơn 13 tỷ đồng.

Theo lực lượng chức năng, tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển đang diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy như thất thu ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; gây mất an ninh, an toàn trên biển; tạo môi trường kinh doanh bất bình đẳng; đồng thời chất lượng xăng dầu không được kiểm soát.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước