Ngành y tế đề nghị những trường hợp chưa khai báo y tế khẩn trương liên hệ y tế địa phương thực hiện khai báo. Các quận, huyện sẽ tiếp tục nhận thông tin khai báo y tế để làm xét nghiệm tầm soát cho đến hết ngày 14/8. Sau thời gian này, các trường hợp cố tình không khai báo y tế sẽ bị xử lý theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, có khoảng 51.000 người rời Đà Nẵng từ 1/7 đã thực hiện khai báo y tế. Hiện còn khoảng 3.000 trường hợp chưa được lấy mẫu tập trung tại 10 quận, huyện. Trong số này, có không ít những trường hợp từ chối hoặc không đến lấy mẫu theo hẹn.
Trước đó, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo vào trưa 2/8, tại Văn phòng Chính phủ, phân tích diễn biến tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, đây là ổ dịch phức tạp nên công tác đối phó căng thẳng, khó khăn hơn; dự báo kéo dài hơn so với các ổ dịch trước đó. Qua phân tích yếu tố dịch tễ, sinh học phân tử và các yếu tố liên quan, mức độ bùng phát ổ dịch Đà Nẵng nhanh hơn.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giải thích, chủng mới của virus SARS-CoV-2 xâm nhập từ nước ngoài vào làm tăng khả năng cảm nhiễm, bám dính, lây lan nhanh. Theo đó, hệ số lây nhiễm cơ bản vào khoảng 6-10 (trước đây khoảng 1,8-2,2; trong khi muốn kiểm soát dịch bệnh phải đạt hệ số dưới 1). Do đó, tỷ lệ F2 bị mắc COVID-19 tăng lên, điển hình tại Quảng Nam, các ca F2 hiện chiếm khoảng 60% tổng số ca nhiễm bệnh.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tính từ ngày 1/7-29/7, lượng người trở về từ Đà Nẵng hoặc đi đến cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước khoảng 1,4 triệu người. Tâm dịch lớn nhất của ổ dịch Đà Nẵng là cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng với khoảng 800.000 người đến khám và qua lại, trong đó có 46.000 người đến khám chữa bệnh.
Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Mỗi một người dân phải có trách nhiệm vì cộng đồng. Các cấp chính quyền có trách nhiệm, tuyệt đối không được chủ quan".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!