Báo chí quốc tế phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông

Thời sự VTV-Chủ nhật, ngày 11/05/2014 13:13 GMT+7

Tàu Trung Quốc hung hãn dùng vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam

Trong tuần qua, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng đã trở thành một đề tài nóng được báo chí thế giới tập trung đăng tải.

Với nhận định rằng động thái nói trên của Trung Quốc là hành động mang tính chất khiêu khích và gây hấn nhất tại khu vực Biển Đông mà nước này thực hiện trong thời gian gần đây, các tờ báo của thế giới đã phân tích và trích dẫn nhiều ý kiến của các học giả về động cơ và mục tiêu của Bắc Kinh.

Trên Tờ Wall Street Journal, các nhà phân tích cho rằng, vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đánh dấu sự leo thang trong ý đồ của Bắc Kinh trong việc hiện thực hóa những tuyên bố về nguồn tài nguyên ở đây.

Ông Theresa Fallon, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu châu Á, có trụ sở tại Brussels, khẳng định, với việc đặt giàn khoan lớn ở Biển Đông cùng với việc huy động các tàu hộ tống, Bắc Kinh đã vượt qua một lằn ranh quan trọng.

Bài báo đưa ra nhận định: “Căng thẳng leo thang cho thấy rõ là khu vực này đang thiếu các cơ chế để ngăn chặn và kiểm soát các cuộc xung đột.

Nhận định về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, Giáo sư Chính trị học Taylor Fravel, tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc, nhận định đây là hành động phục vụ ý đồ chính trị của Bắc Kinh. Thời báo New York đã trích đăng nhận định của ông.

Đánh giá về cơ sở pháp lý của việc Việt Nam, giáo sư Fravel khẳng định, Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tính từ đường cơ sở. Giàn khoan cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý, và vì thế nằm trên thềm lục địa của Việt Nam và nằm hoàn toàn trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Theo trang tin Blogos, của Nhật Bản thế giới đang hướng về biển Đông với ánh mắt lo ngại. Vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam là hành động nguy hiểm.

Giới truyền thông thế giới cũng đã có nhiều bài phân tích về động cơ của hành động lần này của Trung Quốc. Theo nhận định chung, Trung Quốc muốn độc chiếm khu vực giàu tài nguyên tại biển Đông và áp đặt vị trí thống trị trong khu vực.

Trang tin Thông tin kinh tế MSN nhận định Trung Quốc đang muốn độc chiếm khu vực giàu tài nguyên ở biển Đông. Trung Quốc ước tính dự trữ dầu mỏ ở khu vực này ước đạt 36,8 tỷ tấn. Bên cạnh đó Trung Quốc cũng muốn thách thức vị trí của Mỹ trong khu vực.

Sau khi trích dẫn những phản ứng gay gắt từ phía chính quyền Mỹ trước những hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông, Thời báo Tài chính đã đưa ra nhận định: “Từ nhiều thập kỷ nay, Trung Quốc luôn có những tranh chấp xung quanh vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, Bắc Kinh đã có một lập trường gây hấn hơn trong vấn đề này.

Bên cạnh việc có những hành động va chạm với các tàu của Việt nam và Philippines, các tàu của Trung Quốc còn có các vụ va chạm với các tàu của Mỹ”.

Theo bài báo, cùng với các hành động gây hấn hơn trên biển, Trung Quốc cũng thực hiện những biện pháp trong nước nhằm lôi kéo sự ủng hộ đối với ý đồ mở rộng chủ quyền tại Biển Đông.

Trang mạng của Kênh truyền hình Làn sóng Đức (DW) trích ý kiến nhận định của nhà phân tích chính trị Gregory Poling cho rằng những hành động của Trung Quốc thời gian gần đây tại Biển Đông cho thấy rõ hơn sự ý đồ của Trung Quốc trong việc làm thay đổi hiện trạng tại khu vực Biển Đông.

Ông cho rằng vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam “chắc chắn sẽ củng cố thêm sự đoàn kết giữa các nước ASEAN. Nhưng nó cũng chứng tỏ rằng Bắc Kinh đang quyết tâm thay đổi hiện trạng khu vực Biển Đông, bất chấp sự phản đối và hành động của các quốc gia láng giềng” .

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước