Người dân tiếp xúc với gia cầm tại nhà ở Phnom Penh. (Ảnh: AFP)
Cả 3 trường hợp nhiễm cúm H5N1 tại Campuchia đều liên quan đến việc sử dụng gia cầm chết để làm thức ăn.
Bác sĩ Beat Richner, bệnh viện Kunthak Bopha, Siem Reap cho biết: “Theo tôi, Chính phủ Campuchia nên chi một khoản tiền để mua gia cầm nhiễm bệnh và gia cầm chết tiêu hủy nhằm tránh lây lan sang người”.
Bộ Y tế Campuchia đang lo ngại dịch bệnh này có thể sẽ lây lan mạnh trong những tháng tới.
Ông Sok Touch, Cục trưởng Cục Kiểm dịch cộng đồng - Bộ Y tế Campuchia nói: “Bệnh này xảy ra nhiều trong những tháng đầu năm, đặc biệt là thời điểm lễ Chaul Chnam Thmay. Campuchia chúng tôi đang cố gắng thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn và tuyên truyền cho người dân tham gia phòng chống dịch bệnh này”.
Hiện ổ dịch cúm gia cầm ở tỉnh Kratie và Kampong Thom vẫn chưa qua 21 ngày và đã có thêm một ổ dịch khác vừa xuất hiện ở tỉnh Kampong Cham. Bộ Y tế Campuchia đang tích cực kết hợp với các đơn vị liên quan tập trung phun thuốc tiêu độc sát trùng để ngăn chặn dịch cúm gia cầm H5N1.
Dịch bệnh cúm gia cầm H5N1 ở Campuchia thường phát triển và lây lan mạnh trong những tháng mùa khô, đặc biệt là trong tháng 4 khi mà cả nước Campuchia đón mừng lễ Chaul Chnam Thmay, và nhiều lễ hội khác. Nhưng hy vọng với những nổ lực ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh cúm H5N1 mà các bộ, ngành và địa phương ở Campuchia đang triển khai sẽ kiểm soát được dịch bệnh nguy hiểm này trong thời gian tới.