Đặc sứ LHQ cố ép hai bên phải đi đến một văn bản ghi nhớ vào cuối tuần này. Tuyên bố do các bên đưa ra vào chiều hôm 10/2 cho thấy, đàm phán tay đôi khó có thể đem lại một giải pháp cơ bản và toàn diện cho cuộc nội chiến tại Syria.
Trong cuộc gặp mặt đối mặt kéo dài hai tiếng sáng hôm nay (11/2), đặc sứ LHQ yêu cầu hai đoàn đàm phán có ý kiến về dự thảo văn bản ghi nhớ, bao gồm 4 điểm: ngưng bạo lực, xác định hình hài uỷ ban chuyển tiếp quyền lực, các định chế của một Nhà nước Syria trong tương lai và hoà giải dân tộc. Nhưng đề tài không dễ giải quyết trong một tuần đàm phán. Câu hỏi lớn đang được đặt ra tại Geneva là nói chuyện tay đôi liệu có mang lại kết quả gì không. Phe đối lập doạ, nếu tới cuối tuần này không đạt được tiến bộ nào, thì họ sẽ không phí thời gian tới Geneva một lần nữa.
‘ Ông Louay Al-Safi, người phát ngôn của Lực lượng đối lập Syria trong vòng vây báo chí tại Geneva ngày 10/2 (Ảnh: Reuter)
Ông Louay Al-Safi, người phát ngôn của Lực lượng đối lập Syria cho biết: “Chuyện không thể chấp nhận được là Chính phủ cử đoàn đàm phán tới đây nói chuyện hoà bình, trong khi vẫn tiếp tục tàn sát dân thường Syria. Chúng tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế phải làm gì đó để chuyện này phải chấm dứt”.
Các tuyên bố ngắn gọn của mỗi đoàn đàm phán vào cuối giờ chiều hôm 10/2 vẫn có khẩu khí không khác những tuyên bố của hai tuần trước đó. Nghe cả hai bên, có thể nhận thấy, họ vẫn chưa nhất trí được với nhau về yếu tố cơ bản nhất của mỗi cuộc thương thảo, là cách thức đàm phán.
Ông Faisal Mekdad, Thứ trưởng Ngoại giao Syria nói: “Chúng tôi muốn thảo luận từng điểm một, từ đầu cho đến hết danh sách các vấn đề mà thông cáo Geneva đã liệt kê. Đó là cách thức đàm phán mà chúng tôi cho là có tính xây dựng và không tạo thêm vấn đề”.
Đàm phán khó có thể tiến triển, khi mà quan điểm giữa hai bên còn quá nhiều cách biệt, từ việc diễn dịch khái niệm “Chính phủ chuyển tiếp”, cho đến việc cứu trợ nhân đạo và sơ tán dân thường. Đàm phán còn phức tạp hơn, nếu đặt trong bối cảnh khu vực và quốc tế. Xung đột tại Syria là dịp để nhiều nước trong khu vực và nhiều cường quốc tính toán, tìm kiếm lợi ích địa chính trị cho riêng mình.
Trong lần gặp đầu tiên cách đây 2 tuần tại Geneva, Mỹ và Nga đều không tham gia. Nhưng nay, LHQ mong muốn Mỹ và nhất là Nga, đóng vai trò lớn hơn trong tiến trình đàm phán. Saudi Arabia, Thổ Nhĩ kỳ và Iran, ba quốc gia có ảnh hưởng lớn tới Syria cũng không thể đứng bên ngoài phòng đàm phán.