Dư luận hưởng ứng thông điệp của Việt Nam tại LHQ

Ngọc Hà - Trường Sơn - Duy Nghĩa-Chủ nhật, ngày 29/09/2013 20:47 GMT+7

 Với chủ đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo”, bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn Đại Hội đồng LHQ khóa 68 đã tạo nên sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế.

Các nhà ngoại giao, các học giả nghiên cứu về Việt Nam và đại diện các tổ chức quốc tế cho rằng đây là bài phát biểu ấn tượng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trước những thách thức mang tính toàn cầu.

Mang đến thông điệp của Việt Nam về những vấn đề nổi cộm của thế giới như chiến tranh và hòa bình, chống đói nghèo, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững - vốn là mối quan tâm chung của tất cả các quốc gia, nhưng bài phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam được các học giả quan tâm, bởi sức thuyết phục từ chính những trải nghiệm thấm đẫm mồ hôi và xương máu của cả dân tộc Việt Nam đứng lên từ đổ nát của chiến tranh. Và hơn ai hết, từng người dân Việt Nam hiểu được những giá trị thiêng liêng của khát vọng hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

‘ Đại diện LHQ chúc mừng sau khi Thủ tướng kết thúc bài phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ - Ảnh: VGP

Ông Anatoly Voronin - Nhà phân tích chính trị, nghiên cứu Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho biết: “Thủ tướng Việt Nam đã làm được một việc là thu hút sự chú ý của những người đứng đầu các quốc gia, Chính phủ trên toàn thế giới tới những vấn đề cấp bách nhất, quan trọng nhất, cơ bản nhất của thời đại, đó là vấn đề chiến tranh và hoà bình, khắc phục nạn đói nghèo. Theo tôi bài phát biểu của Ngài Nguyễn Tấn Dũng mang tính thuyết phục cao, khi ông nói đến vấn đề vũ khí hoá học ở Syria, bởi ông là đại diện của một dân tộc đã từng trải qua sự tàn khốc của chiến tranh, đã nếm trải thế nào là vũ khí hoá học khi người ta thả xuống lượng chất độc nhiều nhất từ khi có nhân loại".

Ông Nguyễn Di Niên - Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cho biết: “Diễn văn của Thủ tướng cũng đã nêu số bom đạn dội xuống Việt Nam nặng gấp 10 lần trọng lượng của mỗi người dân Việt Nam, thử hỏi rằng sức chịu đựng nó như thế nào?...”

Ông Kazuyoshi Umemoto - Đại sứ, Phó Trưởng phái đoàn Nhật Bản tại LHQ, cho biết: “Bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam thật sự rất ấn tượng và rất quan trọng. Nhật Bản cũng là nước đã từng bị tàn phá bởi chiến tranh và hiểu được tầm quan trọng của hòa bình và Nhật Bản chia sẻ những lời kêu gọi của Việt Nam về một thế giới hòa bình hơn. Trong bối cảnh như vậy, có thể nói là bản thân Thủ tướng và Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản cũng rất hài lòng với sự thống nhất về tầm nhìn của hai nước chúng ta.

Ông Ricardo de Guimaraes Pinto - Đại diện USNESCO tại New York, cho biết: “Ngài Thủ tướng đã làm tôi rất ấn tượng khi ông cho rằng thế giới đã tiến rất xa trên con đường khoa học và phát triển kinh tế, nhưng chúng ta vẫn chưa có thể tiến xa trên lĩnh vực nhân văn, nhất là trong việc xóa đói, giảm nghèo và loại bỏ nguy cơ chiến tranh. Do vậy, tôi cho rằng lời kêu gọi của Thủ tướng Việt Nam về một thế giới không chiến tranh thật sự có ý nghĩa rất lớn, nó phù hợp cả về mức độ lẫn thời điểm đối với tình hình hiện nay”.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng cũng đã thể hiện sự quan ngại sâu sắc về những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển Hoa Đông và Biển Đông, bởi lẽ chỉ cần một hành vi thiếu trách nhiệm sẽ có thể dẫn tới xung đột. Do vậy, với trách nhiệm của một quốc gia là thành viên của LHQ, một lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh đến “xây dựng lòng tin chiến lược” giữa các quốc gia để tháo gỡ những ngòi nổ và bế tắc.

Giáo sư, Tiến sỹ lịch sử Dmitry Mosyako - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại Dương,Viện hàn lâm khoa học Nga, cho biết: “Bài phát biểu đã nêu bật sự cần thiết phải tạo được một bầu không khí tin cậy lẫn nhau trong quan hệ quốc tế. Người ta có thể đạt được những thoả thuận nào đấy trong cuộc sống, nhưng nếu thiếu sự tin cậy lẫn nhau thì những thoả thuận đó chỉ là những văn bản giấy tờ. Ý tưởng này mới ở chỗ Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ hợp tác thân thiện với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và các nước khác, bởi vậy cần một môi trường tin cậy lẫn nhau - mấu chốt của sự phát triển theo hướng tích cực trong tương lai”.

TS Nguyễn Ngọc Trường - Chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế, cho biết: “Việc người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu một vấn đề xung đột tại 2 vùng biển từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á…. và mối quan ngại này cần phải được giải quyết, đó là điều mong muốn của cộng đồng quốc tế. Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của việc phải giải quyết vấn đề một cách hòa bình bằng luật pháp quốc tế và không dùng vũ lực để phá vỡ nguyên trạng. Những quan điểm này đã được quốc tế nhất trí. Thủ tướng Việt Nam nêu lại vấn đề đó, cho thấy đây là mối quan ngại không chỉ của Việt Nam mà của toàn bộ khu vực và nó cũng liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế.

Đã nhiều lần khẳng định trách nhiệm của mình với những vấn đề của nhân loại, tại diễn đàn này, lần đầu tiên Việt Nam tuyên bố sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, sẵn lòng đóng góp nguồn lực để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam khi chung tay giải quyết các mối quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Bà Josette Sheeran Chủ tịch Hội châu Á, cho biết: “Cam kết của Thủ tướng Việt Nam rất ấn tượng, khi khẳng định rằng Việt Nam đã có chương trình hành động muốn tham gia vào mọi hoạt động của cộng đồng quốc tế”.

Trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, bài phát biểu của lãnh đạo cao cấp Việt Nam, với tư duy và cách tiếp cận mới gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều cần có trách nhiệm trong mọi công việc của cộng đồng các quốc gia thế giới.

Quí vị có thể theo dõi nội dung chi tiết qua VIDEO dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước