Cuộc họp diễn ra sau khi xảy ra thảm họa chìm tàu ở ngoài khơi Lampedusa của Italy làm 300 người thiệt mạng.
‘ Những người được cứu sống trong vụ chìm tàu ngoài khơi Lampedusa của Italy. (Ảnh: AFP)
Cuộc họp nhằm đưa ra các biện pháp ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép từ Bắc Phi vào châu Âu qua Địa Trung Hải, nhằm không để lặp lại các thảm họa nhân đạo đã xảy ra từ nhiều năm nay ở khu vực này.
Tới Hội nghị này, Cao ủy về các vấn đề nội địa của EU, bà Cecilia Malmström thúc giục 28 thành viên EU nỗ lực thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn các thảm họa tương tự như vụ chìm tàu ở ngoài khơi Lampedusa. Bà cũng kêu gọi cung cấp nguồn ngân sách lớn hơn cho cơ quan an ninh biên giới của EU.
Bà Cecilia Malmström, Cao ủy EU về các vấn đề nội địa cho biết: “Tôi sẽ đề nghị các quốc gia thành viên EU tăng cường hoạt động của Cơ quan an ninh biên giới của khối dọc theo biển Địa Trung Hải, từ Cộng hòa Síp đến Tây Ban Nha, cũng như hoạt động cứu trợ an toàn tại khu vực này. Tôi sẽ đề nghị sự ủng hộ và đóng góp các nguồn lực để kế hoạch này trở thành hiện thực giúp cứu được nhiều người hơn”.
Bộ trưởng Nội vụ Đức thì kêu gọi mạnh tay hơn với các tổ chức buôn người ở châu Phi. Ông Hans-Peter Friedric, Bộ trưởng Nội vụ Đức nói: “Chúng ta cần hợp tác với các nước châu Phi nhằm đập tan các đường dây buôn bán người. Những gì đang xảy ra là không thể tin được. Những kẻ buôn người ở châu Phi lấy hết tiền của người dân với những lời hứa hẹn rồi đẩy họ lên những con thuyền không có chút an toàn nào lênh đênh trên Địa Trung Hải. Điều này không thể tái diễn và chúng ta cần một cam kết thống nhất giữa EU và các quốc gia châu Phi”.
Vụ chìm tàu ở Lampedusa hôm thứ 5 tuần trước với hậu quả là khoảng 300 người thiệt mạng trên con tàu chở 500 người nhập cư trái phép là thảm họa tồi tệ nhất liên quan đến tình trạng nhập cư trái phép từ châu Phi sang châu Âu để tìm cuộc sống mới. Thảm họa này đã đưa vấn đề nhập cư trái phép trở lại là điểm nóng ở khu vực sau hàng thập kỷ tái diễn.