Hiện thực phũ phàng dập tắt hy vọng trong vụ chìm phà

Theo Vnexprres-Thứ ba, ngày 22/04/2014 12:19 GMT+7

Hơn hai chục cha mẹ, có con mất tích trong phà chìm ở Hàn Quốc, đã tụ họp nhau để bàn về một chủ đề mà 5 ngày nay họ không đủ can đảm để nhắc đến.

"Thực tế là", một bậc phụ huynh mở lời, "chúng ta đành phải thừa nhận rằng không còn hy vọng được thấy các con còn sống". Không một vị phụ huynh nào phản đối.

‘ Thân nhân những người mất tích mỏi mòn chờ đợi ở cảng Jindo. Ảnh: Reuters.

Tối qua khi các thợ lặn hải quân Hàn Quốc liên tục đưa lên từ con phà chìm những thi thể người xấu số, bức tranh u ám của tấn bi kịch ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Cha mẹ các học sinh mất tích cùng nhau bàn về cách thức nào tốt nhất để mang thi thể con họ trở về, đưa những đứa trẻ tuổi 16-17 lên khỏi mặt nước càng nhanh càng tốt. Họ đành lòng đồng ý rằng đây sẽ là nhiệm vụ mà chính phủ giờ cần phải ưu tiên.

Từng người một phát biểu ý kiến. Mắt họ nặng trĩu. Giọng họ nặng trĩu. Một số người liên tục rít thuốc lá. Chính phủ Hàn Quốc đã hỏi ý kiến của họ về những bước tiếp theo của quá trình tìm kiếm cứu hộ, và giờ đây họ phải bàn xem sẽ đồng ý cho chính phủ trục vớt phà lên hay phải yêu cầu thợ lặn vào trong khoang tìm hết các thi thể trước đã.

"Hy vọng tan biến thật nhanh", Yoo Kyeong-geun, cha của một học sinh lớp 11 nói. "Cho đến hôm qua, không một ai dám nói đến việc kéo con tàu lên khỏi mặt nước", bởi việc này chắc chắn gây hại cho những người sống sót - nếu có - bên trong tàu. "Nhưng giờ đây đã có nhiều người đồng ý với khả năng đó. Chỉ là vì chúng tôi muốn còn được nhìn thấy mặt con lần cuối, trước khi thi thể các con bị hủy hoại trong nước".

5 ngày giận dữ, phẫn nộ đã trôi qua, giờ đây thân nhân của những người mất tích thể hiện sự đau đớn theo cách trầm lặng hơn, khi tại cầu cảng, thi thể những người xấu số lần lượt được đưa vào bờ. Mỗi lần hai hoặc ba chiếc cáng.

Con phà bị lật khi chở 476 người đang trên hành trình từ Incheon tới đảo Jeju, phần lớn trong số hành khách là các em học sinh trung học đang đi dã ngoại. Những tin nhắn cuối cùng của các em đã vẽ ra một cảnh tượng hỗn loạn và tuyệt vọng, trong đó các em được ra lệnh mặc áo phao và ở nguyên tại chỗ khi phà bắt đầu nghiêng.

Trong vòng 19 phút kể từ khi phà phát thông báo cấp cứu, thủy thủ đoàn ba lần liền thông báo với trạm kiểm soát hàng hải rằng họ không thể di chuyển trong phà, bởi độ nghiêng quá lớn. "Không thể sơ tán được", một thành viên thủy thủ đoàn nói khi đó. Những người sống sót kể rằng họ không hề nhận được lệnh sơ tán và những người tuân thủ lệnh ngồi im sẽ nhiều khả năng bị kẹt trong các khoang của phà nhất.

Thân nhân của những người mất tích đang chờ đợi trong tuyệt vọng. Một số người ở trong khu nhà thể thao trên đảo, nhưng nhiều người khác ngày ngày ngồi ngay bên cầu cảng để ngóng chờ. Các tình nguyện viên đã dựng lều, mang thức ăn, chăn ấm và nước uống đến cho các thân nhân. Một chiếc lều đặc biệt, bên trong chỉ có tấm bảng trắng với dòng chữ "Danh sách". Luôn có hàng chục người đứng quanh, hoặc chụp ảnh tấm bảng, hoặc vừa nhìn chăm chăm vào nó vừa khóc sụt sùi.

Mỗi khi các thi thể được đưa lên cầu cảng, một quan chức đi đến bên danh sách, tay cầm cái bút. Sáng hôm qua, danh sách có 36 cái tên, và đến tối có 58. Sáng thứ hai, có 62 tên. Một số người chỉ được mô tả vẻ ngoài, chứ cũng chưa có tên. Số 48 là Guk Seung-hyeon, một trong 325 em học sinh. Số 49 là một người đàn ông cao 170 cm, mặc quần jeans xanh và áo sơ mi.

Trong bốn ngày đầu, số lượng thi thể được đưa lên với tốc độ chậm chạp, chỉ khi các dòng hải lưu cuốn người xấu số ra khỏi thân phà, đẩy họ vào lòng biển Hoàng Hải. Nhưng từ chiều chủ nhật, các thủy thủ đục một lỗ trên thân phà và mở đường vào bên trong. Kể từ lúc đó, cứ khoảng hai tiếng, cảnh sát lại đưa lên bờ cảng Jindo vài thi thể.

Ba người, mang các số từ 50 đến 52 lên bờ lúc 2 h chiều, khiến các thân nhân từ trong những mái lều đổ dồn về cầu cảng. Hàng chục sĩ quan cảnh sát đứng thành hàng rào; cứ 6 cảnh sát khiêng một chiếc cáng đi về phía chiếc lều mang tên "Nhận dạng". Một quan chức tụ họp thân nhân lại và thông báo về đặc điểm của ba người mới được vớt lên. Một chiếc áo phông New Balance. Quần dài. Đám người lắng nghe rồi tản đi các phía.

Cả chiều chủ nhật, Yoo và các bậc phụ huynh khác vẫn đang bàn cách đẩy nhanh việc tìm kiếm thân nhân. Họ nghĩ đến việc đặt một phà nổi ở khu vực phà Sewol chìm để cho các thợ lặn nghỉ ngơi và bố trí thiết bị. Hiện trường phà chìm cách bờ đảo gần 20 km. Họ cũng tính đến khả năng nâng con phà Sewol lên bằng cách dùng cần cẩu.

"Anh có biết nếu kéo tàu lên thì mất bao lâu không?", một người cha trong nhóm hỏi. "Tôi nghe họ nói mất 20 ngày đấy".

Yoo đáp nếu không dùng máy mà chỉ trông vào con người, thì đó là phương thức cũ "30 hay 40 năm rồi". Con gái của ông, Yoo Ye-eun, là một trong số các học sinh trường Danwon, gần Seoul, có mặt trên phà.

"Tôi sẽ ở đây chừng nào việc tìm kiếm hoàn tất", người cha nói. "Chừng nào chưa nhận lại con gái tôi, tôi chưa về".

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước