Hội nghị COP 19: Việt Nam kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực bảo vệ trái đất

Anh Phương-Thứ sáu, ngày 22/11/2013 22:40 GMT+7

Một ngày trước khi kết thúc Hội nghị COP 19, Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi một cuộc cách mạng trong nhận thức để thúc đẩy các nỗ lực bảo vệ trái đất.

Hội nghị lần thứ 19 của các bên tham gia Công ước khung của LHQ về chống biến đổi khí hậu (COP 19) đang tiến gần tới thời điểm bế mạc. Vậy nhưng các bên vẫn chưa đạt được một bước tiến thực sự đáng ghi nhận nào cho một hiệp định toàn cầu chống biến đổi khí hậu vào năm 2015. Một ngày trước khi kết thúc hội nghị, Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi một cuộc cách mạng trong nhận thức để thúc đẩy các nỗ lực bảo vệ trái đất.

‘ Chủ tịch COP phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Bộ Tài nguyên & Môi trường)

Một ngày trước khi kết thúc hội nghị. Những biểu ngữ "Hãy cứu lấy Philippines" được mang ra một lần nữa để đánh thức trách nhiệm của các nhà đàm phán.

Nhưng cũng cùng thời điểm đó, vẫn chưa có một cam kết cắt giảm cụ thể nào được đưa ra. Trái lại, Nhật Bản vẫn khăng khăng điều chỉnh mục tiêu cắt giảm phát thải vào năm 2020, từ mức giảm 25% lên mức tăng 3% so với năm 1990. Chính phủ Australia cũng tuyên bố điều chỉnh mức giảm phát thải ít hơn so với các cam kết trước đó. Một hiệp định toàn cầu chống biến đổi khí hậu rõ ràng chưa thể định hình.

Buổi chiều, đại diện cho phái đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà đã phát đi lời cảnh tỉnh tới các phái đoàn tham dự. Ông kêu gọi các nước hãy có những hành động thông thái bởi thảm họa của biến đổi khí hậu đã ở trước mắt

Ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, Trưởng đoàn đàm phán COP 19 Việt Nam cho biết: "Những nỗ lực của chúng ta, cho tới hiện nay là không thể đảm bảo được mục tiêu hạn chế tăng 2 độ C. Khả năng trái đất sẽ tăng 4 độ C với những thảm họa nguy hiểm có thể trở thành sự thực... Một thỏa thuận pháp lý toàn cầu mới đã được thai nghén kỹ lưỡng. Vậy thì hãy đừng đánh mất đi động lực của mình và hãy tiến tới hiện thực hóa nó. Các quốc gia phát triển, hãnh tăng cam kết cắt giảm khí thải của mình vào 7/2014 là chậm nhất".

Trong bối cảnh một hiệp định toàn cầu cho 2015 vẫn còn chưa rõ ràng, Việt Nam đã có các cuộc hội nghị riêng lẻ nhằm thúc đẩy khả năng chống biến đổi khí hậu theo từng nhóm nước nhỏ.

Chẳng hạn như tại đây, Việt Nam đã cùng với Nhật Bản và một số nước tiến hành đăng cai hội nghị chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề chia sẻ tín chỉ Carbon. Một cơ chế cho phép các nước phát triển chuyển giao các công nghệ thân thiện môi trường sang các nước đang phát triển, đổi lại lấy lượng tín chỉ khí thải, thực chất là để được gia tăng giới hạn mức phát thải vốn được quy định theo nghị định thư Kyoto

Ông Koos Neefjes, cố vấn về Biến đổi khí hậu, UNDP Việt Nam nói: "Việt Nam trong một số vấn đề trong khuôn khổ đàm phán này có thể đóng vai trò trung tâm. Một ví dụ đó là chương trình giảm thiểu khí thải nhà kính thông qua trồng rừng và phục hồi rừng. Việt Nam khá là tiến bộ so với các nước khác trong vấn đề này, Việt Nam đã đưa ra những kinh nghiệm và ý tưởng của riêng mình trong những năm qua, trong đó có xây dựng nguồn lực, hiểu cần phải làm gì và giải thích cho các quốc gia, cả phát triển lẫn đang phát triển mô hình đó nên như thế nào trong tương lai".

Chỉ chưa đầy 24 tiếng nữa, chúng ta sẽ có câu trả lời, liệu Warsaw, Ba Lan có thể là nơi chứng kiến những viên gạch đầu tiên để thế giới tiến đến một hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu vào năm 2015 được không? Nhưng các đại biểu tham dự COP 19 cũng đã không quên nhấn mạnh, một hiệp định toàn cầu chỉ có thể có ý nghĩa thực tế nếu nó được thực hiện với những nỗ lực ở cấp độ quốc gia. Việt Nam đã tự bảo vệ mình trước biến đổi khí hậu thông qua những văn bản quan trọng, trong đó có chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hâu, chiến lược về tăng trưởng xanh hay NQ 24 của Ban chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước