Cả hai liên minh này đều mất nhiều ghế so với kỳ bầu cử trước cách đây 5 năm, do số lượng cử tri ủng hộ xu hướng dân tộc chủ nghĩa đã tăng mạnh.
Gần 30% cử tri tại 28 quốc gia châu Âu đã bỏ phiếu cho Liên minh các đảng bảo thủ và dân chủ Thiên chúa giáo. Với 214 trong tổng số 751 ghế, Liên minh cánh hữu đã về nhất, mở ra triển vọng chắc chắn cho ông Jean-Claude Juncker, 60 tuổi - cựu Thủ tướng Luxembourg, đứng đầu liên minh này.
“Chúng ta đã chiến thắng. Tôi thấy mình hoàn toàn thích hợp để trở thành Chủ tịch mới của Uỷ ban châu Âu”, ông Jean-Claude Juncker - ứng cử viên chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu nói.
Liên minh các Đảng dân chủ xã hội châu Âu về thứ hai, chỉ giành được 189 ghế. Như vậy là so với khoá nghị viện sắp mãn nhiệm thì tương quan không có khác biệt lớn, vẫn là phe trung hữu chiếm thế thượng phong trong Nghị viện châu Âu.
‘ Bà Marine Le Pen - Chủ tịch Đảng Mặt trận quốc gia Pháp (Ảnh: BBC)
Khác biệt lớn, được ví như một cơn địa chấn trong lần bầu cử này là xu hướng dân tộc chủ nghĩa và chống lại một châu Âu nhất thể hoá. Tại Đan Mạch, Anh và Pháp, các đảng theo xu hướng dân tộc cực đoan thậm chí đã vượt lên trên tất cả các đảng khác. Xu hướng này giành được gấp đôi số ghế trong Nghị viện châu Âu khoá mới.
Bà Marine Le Pen - Chủ tịch Đảng Mặt trận quốc gia Pháp nói:“Người dân đang đòi hỏi một nền chính trị duy nhất, do người Pháp và vì người Pháp. Cử tri không muốn nước Pháp bị lãnh đạo từ bên ngoài, không muốn phải theo các bộ luật mà họ không bỏ phiếu, không muốn nghe các chính trị gia không do họ bầu ra”.
Châu Âu đang đứng trước một nghịch lý đó là: xu hướng ly khai châu Âu nay đã có một vị thế nhất định trong Nghị viện châu Âu. Tại sao lại có tới chừng ấy cử tri châu Âu không tin tưởng vào tương lai ngôi nhà chung, không tin tưởng một châu Âu nhất thể hoá? Thực tế này sẽ buộc lãnh đạo chính trị châu Âu và cả lãnh đạo của mỗi quốc gia châu Âu phải điều chỉnh hướng đi trong thời gian tới.