Một số Đảng cực hữu và các Đảng non trẻ theo xu hướng ly khai châu Âu đã thu được kết quả cao chưa từng thấy. Một Đảng tân phát xít tại Hy lạp thậm chí còn có khả năng sẽ chiếm được một ghế trong Nghị viện châu Âu khoá mới.
Lần đầu tiên tại Pháp, Đảng Mặt trận quốc gia cực hữu dẫn đầu một cuộc bầu cử tại nước này, với hơn ¼ tổng số phiếu bầu, vượt lên trên tất cả các Đảng khác của Pháp. Đảng Xã hội đang cầm quyền tại Pháp chỉ giành được vị trí thứ ba.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls, Đảng Xã hội cho biết: “Châu Âu từ mấy năm nay được cho là quá xa lạ với mối quan tâm của người dân. Châu Âu gây thất vọng”.
Các Đảng theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cũng dẫn đầu tại Đan Mạch và Hy Lạp. Đáng lo ngại nhất là tại Hy Lạp, một Đảng tân phát xít đã giành được tới 9,3% tổng số phiếu bầu và nhiều khả năng giành được một ghế trong Nghị viện châu Âu. Nếu chuyện này xảy ra, thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nghị viện châu Âu có tiếng nói của xu hướng tân phát xít.
Bà Eva Koulourioti, cử tri Hy lạp nói: “Cử tri thể hiện sự giận dữ bằng lá phiếu, vì đất nước này đã phải chịu quá nhiều áp lực trong mấy năm gần đây”.
Địa chấn về chính trị cũng đã diễn ra tại Anh. Đảng Ukip non trẻ chủ trương ly khai châu Âu đã bỏ xa Đảng Bảo thủ và Công Đảng.
Ông Nigel Farage, Chủ tịch Đảng Vì nền độc lập của nước Anh (UKIP) chia sẻ: “Châu Âu đã mắc hai sai lầm lớn. Thứ nhất là sử dụng đồng tiền chung euro, vừa không hiệu quả lại vừa gây ra hậu quả cho các nước phía Nam. Thứ hai là mở rộng biên giới với các quốc gia thuộc Liên Xô xưa kia, cho phép đi lại tự do giữa các nước giàu và các nước nghèo”.
Và không chỉ tại các nước phía Tây châu Âu, ngay tại Ba Lan và Hungary, các Đảng phản đối gia nhập châu Âu cũng thu được nhiều phiếu hơn dự đoán.
Xu hướng dân tộc chủ nghĩa và ly khai châu Âu có thể giành được tới 140 trong tổng số 751 ghế của Nghị viện châu Âu. Tỷ lệ này tuy chưa đủ lớn để kìm hãm quá trình xây dựng ngôi nhà chung châu Âu, nhưng thừa đủ để tác động tới chính trường châu Âu trong 5 năm tới.