Miền Trung Philippines lúc này như địa ngục trần gian

Trung Khánh (Theo CNN/ Reuters)-Thứ hai, ngày 11/11/2013 14:00 GMT+7

 Những người dân miền Trung Philippines bao gồm các tỉnh Leyte, Cebu hay Samar và đặc biệt là thành phố Tacloban đều có chung nhận định như thế khi miêu tả về cảnh tượng kinh hoàng sau khi siêu bão Haiyan đi qua.

“Mọi thứ xung quanh như địa ngục vậy!”

Hậu quả khủng khiếp mà “con quái vật” có sức tàn phá mạnh nhất trong lịch sử - siêu bão Haiyan để lại là nặng nề nhất từ trước tới nay đối với quốc gia thường xuyên hứng chịu những trận bão mạnh từ Thái Bình Dương này. Theo thông kê chưa đầy đủ đến hết ngày 10/11, đã có 10.000 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người khác bị thương, mất nhà cửa và chỉ còn chờ đợi vào sự cứu trợ từ bên ngoài.

Cả một vùng rộng lớn ở miền Trung Philippines trở thành bình địa. Không điện, không lương thực, không nước sạch; nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị phá hủy; các thi thể nằm la liệt trên đường; bệnh viện quá tải còn thuốc men thì thiếu trầm trọng… người dân ở các vùng chịu thiệt hại sau bão đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn, giữa ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

‘ Cảnh hoàn tàn, đổ nát ở tỉnh miền Trung Philippines sau khi siêu bão Haiyan đi qua (Ảnh: AP)

Với những người còn sống, cảnh tượng hỗn loạn xảy ra khi nhiều người dường như không chịu được sự đói khát đã tìm đủ mọi cách để có lương thực, nước uống và khiến tình hình trở nên khó kiểm soát.

“Nhìn từ trực thăng xuống, chúng ta mới thấy mức độ tàn phá của siêu bão Haiyan khủng khiếp tới mức nào. Chẳng còn lại gì từ nhà cửa, cầu đường… trên phạm vi hàng ki-lô-mét. Giống như một cơn sóng thần vừa quét qua vậy. Tôi chẳng biết diễn tả như nào nữa, thật là khủng khiếp”, Bộ trưởng Nội vụ Manuel Roxas miêu tả.

Nhiều du khách bị mắc kẹt ở khu vực miền Trung Philippines cho biết: “Nước biển dâng cao và ngập đến tầng 2 khách sạn”. Cô Nancy Chang, người Trung Quốc, bị mắc kẹt tại thành phố Tacloban trong chuyến công tác vừa qua, đã phải cuốc bộ 3 tiếng đồng hồ để tới điểm tập kết chờ máy bay quân sự đưa ra khỏi vùng nguy hiểm. “Mọi thứ quanh tôi giống như ngày tận thế vậy”, cô Nancy Chang nói.

"Lúc này,tôi chưa gặp ai mà không bị mất đi người thân cả. Thế nên, ngay bây giờ, việc cần làm là tìm ra càng nhiều người bị nạn càng tốt và nhanh nhất có thể”, ông Alfred Romualdez, nhà chức trách ở Tacloban chia sẻ với phóng viên CNN.

Tổng thống Aquino điều động binh lính tới Tacloban

Khoảng 300 lính và cảnh sát đã được Chính phủ Philippines điều động tới vùng bị thiệt hại nặng nề nhất sau siêu bão Haiyan.

‘ Chính phủ điều máy bay chở những du khách nước ngoài rời khỏi Philippines (Ảnh: AP)

Ngoài ra, xe bọc thép cũng được điều tới Tacloban để chấm dứt tình trạng cướp bóc, hôi của gây hỗn loạn trong ngày hôm qua 10/11. Giới chức Philippines bày tỏ sự tức giận trước tình trạng lộn xộn trên: “Nhiều người đã lao vào các cửa hàng thực phẩm hôi của, tình trạng cướp bóc xuất hiện trong tình cảnh chúng ta đáng ra phải đoàn kết để chống chọi lại với hậu quả mà cơn bão để lại. Việc Chính phủ cử binh sĩ và xe bọc thép tới khu vực này là cần thiết”.

Cộng đồng quốc tế chung tay giúp đỡ Philippines

Sau khi siêu bão đi qua, ngoài việc ổn định tình hình an ninh, trật tự ở các khu vực chịu thiệt hại, việc cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm được ưu tiên hơn cả song song với công tác tìm kiếm cứu nạn những người còn sống sót trong đống đổ nát.

“Hàng đoàn xe tải chở thức phẩm, nước và lều bạt qua cầu Tanauan ở đảo Leyte để cứu trợ người dân”, ông Richard Gordon, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Philippines cho biết.

Khoảng 90 lính thủy quân lục chiến Mỹ cùng đoàn thủy thủ đang tiến về Philippines trong nỗ lực đầu tiên nhằm trợ giúp cho quốc gia vừa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi siêu bão Haiyan. Một quan chức Mỹ cho hay, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẵn sàng cung cấp viện trợ cho Philippines ngay từ lúc này.

‘ Đám đông mắc kẹt ở những khu vực bị chia cắt chờ hàng cứu trợ (Ảnh: Getty)

Các tổ chức ở Mỹ đang vận động những chiến dịch cứu trợ lên tới hàng triệu USD cho Philippines. Một tổ chức có tên World Vision cũng đang vận chuyển chăn màn, vải bạt để cứu trợ khẩn cấp cho khoảng 400.000 dân. Được biết, trụ sở chính của tổ chức này đặt tại Cebu – thành phố lớn với 2,5 triệu dân ở Philippines. Sau siêu bão, 90% khu vực phía bắc Cebu đã bị phá hủy.

Ngoài ra, Tổ chức Nhi đồng LHQ (UNICEF) cũng đang gấp rút triển khai các kế hoạch cứu viện cho Philippines. “Tiếp cận những khu vực bị siêu bão tàn phá vào lúc này vô cùng khó khăn. Cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin liên lạc ở nhiều vùng đã bị cắt đứt hoặc gián đoạn”, đại diện của UNICEF tại Philippines, ông Tomoo Hozum cho hay.

Chương trình lương thực thế giới của LHQ cũng vào cuộc. lương thực và những nhu yếu phẩm cần thiết đang được vận chuyển tới tuy nhiên khó khăn vào lúc này là các tuyến đường đều bị chia cắt. Ông Praveen Agrawal, đại diện của WFP cho hay: “Đường bộ bị chia cắt bởi nước ngập trong khi các sân bay gần như bị phá hủy hoàn toàn”.

Một số hình ảnh về các tỉnh miền Trung Philippines sau khi siêu bão Haiyan quét qua:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước