Mỹ: Đệ trình dự luật trừng phạt các tổ chức tài chính Nga

Thời sự VTV-Thứ năm, ngày 27/03/2014 08:20 GMT+7

Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: The Guardian)

Ủy ban của Quốc hội Mỹ vừa tiếp tục đưa ra dự luật để trừng phạt các ngân hàng Nga và các thành phần kinh tế khác như một động thái phản đối sự kiện sáp nhập của Crimea vào Nga.

Nếu dự luật được thông qua, đây sẽ là đòn trừng phạt về kinh tế tiếp theo mà Mỹ dành cho Nga sau khi đã thiết lập lệnh cấm vận đối với một số quan chức Chính phủ Nga.

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã dự thảo các biện pháp để trình Tổng Thống Obama, nhằm xem xét trừng phạt những tổ chức tài chính Nga đã lấy đi tài sản của Ukraine ở Crimea.

Sau các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức Chính phủ Nga được Tổng thống Mỹ Barack Obama ban hành hồi đầu tháng này, dự luật H.R 4278, cũng sẽ mở rộng lệnh trừng phạt lên các cá nhân mà Mỹ cho là có dính lứu tới việc Crimea ly khai khỏi Ukraine vừa qua.

Ông Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho biết: “Dự luật này sẽ đặt áp lực lên ông Putin và những nhân vật có vai trò chính trong sự kiện tại Ukraine gần đây. Các biện pháp trừng phạt không chỉ nhắm tới các quan chức Chính phủ, mà còn tới cả những người không nắm giữ các vị trí chính thức nhưng có ảnh hưởng lớn đối với chính sách của Chính phủ”.

Dự luật cũng kêu gọi gia tăng tài trợ cho một số tổ chức truyền thông của Mỹ trong khu vực Kavkaz và cung cấp cho Chính phủ Ukraine một quỹ hỗ trợ tài chính nhằm xác định và phục hồi tài sản bị mất do tham nhũng trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phản đối dự luật, cho rằng những biện pháp trừng phạt là không cần thiết.

Ông Dana Rohrabacher, Đảng viên Đảng Cộng Hòa nói: “Người dân Crimea muốn gì? Tôi không nghĩ sẽ có người phản đối một điều rõ ràng rằng người dân Crimea muốn trở thành một phần của Nga, thay vì một Chính phủ thân phương Tây tại Ukraine. Như người dân Kosovo trước đây, người dân Crimea cũng có quyền tự quyết”.

Dự luật này còn cần phải được thông qua trước khi nó có hiệu lực. Các phiên điều trần về những biện pháp trừng phạt sẽ được diễn ra sớm và sau đó, các biện pháp này sẽ phải được thông qua trong cuộc bỏ phiếu của toàn bộ Hạ viện.

Giới chuyên gia kinh tế Nga cho rằng những biện pháp trừng phạt sẽ đẩy nền kinh tế Nga tiến gần hơn tới những thị trường rộng lớn khác.

Tiến sĩ Maxim Bratersky, nhà Kinh tế học, Đại học Kinh Tế Nga chia sẻ: "Nếu chính sách này vẫn tiếp tục, sự cô lập kinh tế của Nga có thể tăng. Và sau đó câu hỏi sẽ là Nga sẽ có thể tái phát triển các kênh quan hệ kinh tế với các phần khác của thế giới như thế nào? Tiến xuống phía Nam, hay quay sang phía Đông?”.

Bộ Phát triển kinh tế Nga đã đưa ra một dự báo cho thấy dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trong quý đầu năm 2014 của Nga có thể đạt 65 tới 70 tỉ USD, vượt qua con số 56 tỷ USD được dự báo trước đây.

Các chuyên gia cho rằng nếu Nga thành công trong việc đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và tăng cường hợp tác với Trung Quốc và các nước ASEAN, các nỗ lực cô lập Nga với nền kinh tế toàn cầu sẽ trở nên vô hiệu.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước