Mỹ gửi gắm điều gì từ cách tiếp đón Tổng thống Pháp?

VTV Online-Chủ nhật, ngày 16/02/2014 17:00 GMT+7

Đó là vấn đề được phân tích tại chương trình Toàn cảnh thế giới sáng nay (16/02) của Đài THVN cùng các PV thường trú VTV tại Mỹ và châu Âu và khách mời tại trường quay – ông Hoàng Anh Tuấn (Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược – Bộ Ngoại giao).

Mối quan hệ đồng minh giữa Pháp và Mỹ hiện đang được cho là ở vào giai đoạn nồng ấm nhất sau 1 thập kỷ băng giá kể từ khi Pháp từ chối sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến tranh Irac do tổng thống Bush phát động vào năm 2003.

Mặc dù, theo nhận định của báo chí, ông Hollande và ông Obama không có mối quan hệ cá nhân thân thiết và chưa bao giờ Tổng thống Obama tỏ ra quan tâm đặc biệt tới nước Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung, nhưng trong chuyến thăm vừa qua, Tổng thống Hollande đã được đón tiếp một cách long trọng tại Nhà Trắng với 21 phát đại bác cùng với bữa đại yến mà các món ăn được chế biến từ những nguyên liệu trồng ngay tại vườn nhà của ông bà chủ Nhà Trắng.

Điều này đã thể hiện một sự thay đổi và chuyển biến trong chính sách của chính quyền Mỹ đối với Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung trong bối cảnh Washington phải đối mặt với nhiều hồ sơ nóng của các vấn đề quốc tế và sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương đã trở thành một nhân tố then chốt trong việc giải quyết các vấn đề này. Chuyến thăm cũng cho thấy một điều rằng những trở ngại đang tồn tại trong quan hệ cũng không ngăn cản được sự gần gũi hai đồng minh lâu đời Pháp – Mỹ.

Cùng theo dõi cuộc trao đổi dưới đây của BTV Úy Thương và ông Hoàng Anh Tuấn tại trường quay của chương trình Toàn cảnh thế giới:

‘ BTV Úy Thương trao đổi cùng khách mời tại trường quay Toàn cảnh thế giới

BTV Úy Thương: Nhìn vào cách đón tiếp trọng thị mà Washington dành cho Tổng thống Hollande trong chuyến thăm cấp nhà nước vừa qua, có thể thấy Mỹ đang giành một tình cảm đặc biệt cho người bạn đến từ Paris. Theo ông, liệu đây có phải là dịp để Mỹ khẳng định lại sự coi trọng của mình đối với một trong những đồng minh lâu năm nhất của mình tại châu Âu hay không?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Có lẽ tôi cũng đồng ý với nhận định trên. Vì nhìn lại quan hệ Mỹ - Pháp và quan hệ Mỹ - châu Âu từ khi ông Obama lên cầm quyền năm 2009, trên cương vị Tổng thống, ông đã có những điều chỉnh chính sách theo hướng coi trọng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, gắn kết Mỹ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhiều hơn, coi khu vực này là một trong những trọng tâm của chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với khu vực này cũng gây ra một số lo ngại nhất định, một số tâm trạng bất an đối với các đồng minh lâu đời của Mỹ ở các khu vực trọng điểm khác như Trung Đông hay châu Âu.

Khi bắt đầu nhiệm kỳ 2, ông Obama và ê-kíp của mình đã có một số điều chỉnh chính sách theo hướng cân bằng hơn là tỏ sự quan tâm của Mỹ đối với các khu vực khác… Việc Mỹ đón tiếp ông Hollande trọng thể như vậy vừa thể hiện sự quan tâm của Mỹ đối với quan hệ song phương, vừa thể hiện tầm quan trọng của châu Âu trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

BTV Úy Thương: Pháp là quốc gia có vai trò đầu tàu tại châu Âu. Vậy thông qua việc củng cố lại mối quan hệ đồng minh với Pháp, Mỹ chờ đời điều gì ở mối quan hệ Mỹ - Châu Âu trong thời gian tới? Liệu đó có phải là một sự “Phục hưng xuyên Đại Tây Dương” như lời của ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại Diễn đàn an ninh Munich, Đức đầu tháng 2 vừa qua?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Phát biểu của ngoại trưởng Kerry về sự phục hưng quan hệ Mỹ - châu Âu là rất đáng chú ý. Nhìn lại quan hệ của Mỹ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương so với quan hệ của Mỹ với châu Âu, có thể thấy: trong thời gian ông Obama cầm quyền nhiệm kỳ đầu tiên, Mỹ có sự quan tâm nhất định đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhưng sau một thời gian điều chỉnh chính sách, Mỹ nhận thấy tuy châu Á – Thái Bình Dương quan trọng về mặt chiến lược với Mỹ nhưng tầm quan trọng sẽ thể hiện trong tương lai nhiều hơn.

Còn quan hệ Mỹ với khu vực châu Âu chưa khu vực nào có thể thay thế bởi châu Âu là nơi Mỹ có nhiều đồng minh, nhiều đối tác chiến lược hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Các nước ở châu Âu cũng là những đồng minh truyền thống của Mỹ và đều có quan hệ lâu đời. Những quốc gia này chia sẻ nhiều với Mỹ về hệ thống chính trị, về giá trị lịch sử - văn hóa và cũng có những giá trị chung mang tính phổ quát toàn cầu.

‘ Ông Hoàng Anh Tuấn phân tích vấn đề trong chương trình

Thêm nữa, Mỹ có quan hệ quốc phòng hết sức chặt chẽ với NATO. Nhìn lại sự can thiệp của Mỹ ở các khu vực trên thế giới từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh đến nay, các đồng minh châu Âu của Mỹ luôn sát cánh, luôn ở bên cạnh Mỹ, cùng nhau chia sẻ gánh nặng, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm.

Về mặt kinh tế, châu Âu có tổng GDP lớn nhất thế giới và lớn hơn Mỹ. Hiện nay, Mỹ và châu Âu đang bàn thảo về việc thiết lập khu vực thương mại tự do giữa Mỹ và châu Âu. Nếu thông qua, đây sẽ là khu vực thương mại tự do lớn và quan trọng nhất trên thế giới.

Mỹ một mặt đẩy quan hệ với châu Á – Thái Bình Dương với chiến lược tái cân bằng, mặt khác xây dựng sự phục hưng giữa quan hệ Mỹ - châu Âu. Nếu Mỹ thành công trong cả 2 chiến lược này, chúng ta có thể hình dung Mỹ như đứng trên 2 bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, giống như một con hổ được chắp thêm 2 cánh.

BTV Úy Thương: Qua cách đón tiếp rất trọng thị đối với Tổng thống Pháp như vậy, Mỹ muốn gửi thông điệp gì tới châu Âu trong bối cảnh mối quan hệ này đang có những rạn nứt sau khi xảy ra vụ bê bối nghe lén hồi năm ngoái, thưa ông?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Chuyện Mỹ đón tiếp ông Hollande diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - châu Âu đang có một số trục trặc. Qua chuyến thăm của ông Hollande, Mỹ muốn gửi thông điệp đến châu Âu, đến Pháp và đến cả các nước bạn bè trên thế giới.

Đối với các đồng minh châu Âu, Mỹ cho rằng châu Âu vẫn là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ, sóng gió vẫn có thể xảy ra nhưng quan hệ giữa Mỹ - châu Âu vẫn luôn tốt đẹp, châu Âu vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ.

BTV Úy Thương: Tổng thống Obama và Hollande đều nhận định củng cố mối quan hệ đối tác Mỹ - Pháp sẽ tạo ra “một hình mẫu hợp tác quốc tế kiểu mới”. Theo ông, hình mẫu về hợp tác quốc tế là thế nào và ông có nhận định thế nào về triển vọng mối quan hệ này?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Hiện nay, hình mẫu về quan hệ quốc tế có lẽ cũng không có một công thức chung, không có một sự thống nhất. Điều ông Hollande nói nhấn mạnh vào tính đặc biệt của quan hệ giữa Pháp và Mỹ.

Dù nói như vậy nhưng đây là mối quan hệ đặc biệt mà các nước khác khó có thể theo được. Trong thời gian hiện tại, quan hệ Mỹ - Pháp sẽ tiếp tục có đà phát triển tốt đẹp. Còn trong tương lai, khó có thể nói trước được điều gì.

Nếu muốn lắng nghe cho tiết hơn những nhận định của ông Hoàng Anh Tuấn, quý vị và các bạn có thể theo dõi tại video dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước