Năm 2013: Đông Bắc Á nóng với những tranh chấp chủ quyền

Hương Linh-Thứ ba, ngày 24/12/2013 20:30 GMT+7

Năm 2013, khu vực Đông Bắc Á trở thành một điểm nóng xét trên phương diện an ninh chiến lược, với việc các quốc gia trong khu vực đều có những hành động cứng rắn để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình.

Nhật Bản có một loạt động thái nhằm thay đổi chiến lược quốc phòng. Những căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với Hàn Quốc và Nhật Bản xung quanh việc thiết lập Khu vực nhận diện phòng không mới trên biển Hoa Đông. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhìn lại bức tranh khu vực Đông Bắc Á năm 2013 – một năm nóng lên với những tranh chấp chủ quyền.

‘ Vùng nhận diện phòng không ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố thiết lập ngày 23/11 gây ra những phản ứng mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới. (Ảnh: AFP)

Năm 2013 đánh dấu năm đầu tiên ông Shinzo Abe trở lại cương vị Thủ tướng Nhật Bản. Ngay từ những tuần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Abe công bố các kế hoạch tăng chi tiêu quân sự. Chính phủ Nhật Bản đã kết thúc năm 2013 với việc thông qua chính sách an ninh quốc gia mới. Theo đó, Nhật Bản sẽ chi tiêu 24,700 tỷ yên, tương đương 240 tỷ USD trong 5 năm cho an ninh quốc phòng, đồng thời xác định xử lý mọi vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia bằng một tư duy chủ động, thay thế cho chiến lược “kiềm chế” được áp dụng theo Hiến pháp hòa bình từ sau thế chiến thứ hai.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết: "Chúng tôi vừa thông qua chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của Nhật Bản. Chiến lược này được xác định dựa trên chính sách xuyên suốt của Chính phủ, đó là đảm bảo an toàn cho người dân Nhật Bản”.

Vì sao quân đội Nhật Bản, vốn từ hơn 60 năm nay bị trói buộc vào bản Hiến Pháp hòa bình phải thay đổi chiến lược? Có nhiều lý do trong đó, một phần là do môi trường an ninh ở khu vực Đông Bắc Á thường xuyên dậy sóng. Và năm 2013 là năm cục diện cạnh tranh trở nên rõ ràng hơn với những tranh chấp chủ quyền trở nên quyết liệt.

Trong vòng ba tháng từ tháng 4 đến tháng 6/2013, không quân Nhật đã 69 lần báo động cho máy bay chiến đấu cất cánh khẩn cấp để ngăn chặn máy bay Trung Quốc xâm nhập không phận bên trên quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Trung Quốc cũng gia tăng các hành động khẳng định chủ quyền trên biển và trên không trong suốt cả năm 2013 này.

Một biểu hiện của sự cương quyết từ phía Trung Quốc, đó là việc nước này đơn phương thiết lập Vùng Nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông ngày 23/11. Vùng Nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông của Trung Quốc chồng lấn các vùng Nhận diện Phòng không của Nhật Bản, Hàn Quốc, gây ra những phản ứng mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới.

Ông Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói: "Hành động của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm, đối đầu và tai nạn. Vì thế, sự kiềm chế là cực kỳ quan trọng đặc biệt là vào thời điểm này. Hoa Kỳ không công nhận Vùng Nhận diện phòng không mới được công bố và chúng tôi kêu gọi Trung Quốc kiềm chế những hành động tương tự ở những nơi khác trong khu vực”.

Việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không là một bước đi khá bất ngờ, làm tình hình an ninh ở Đông Bắc Á những ngày cuối năm thực sự căng thẳng.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đều đã phái máy bay quân sự bay qua vùng trời mà Trung Quốc tuyên bố là Vùng Nhận diện phòng không mà không thông báo cho phía Bắc Kinh. Để đáp trả hành động của Trung Quốc, Hàn Quốc cũng tuyên bố mở rộng Vùng Nhận diện phòng không của mình. Hải quân Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân và không quân trong phạm vi của Vùng Nhận diện phòng không Trung Quốc.

Tất cả những điều trên khiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng.

Những gì diễn ra trong năm nay cho thấy vấn đề này cần được giải quyết với một thái độ thận trọng, nhằm tránh nguy cơ những căng thẳng này đe dọa sự hợp tác đang vô cùng cần thiết ở khu vực.

Mời quý độc giả theo dõi video chi tiết:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước