Hội nghị có sự tham dự của Tổng Thư ký ASEAN và các Bộ trưởng, Trưởng đoàn 10 nước ASEAN. Hội nghị lần này được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong giai đoạn 1 của Hiệp định và xác định phương hướng thực hiện giai đoạn 2 (từ 2013-2015).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, ASEAN đã đạt được những tiến triển đáng khích lệ trong triển khai giai đoạn 1 của chương trình thực hiện Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp, với 4 hợp phần chiến lược bao gồm: Đánh giá, giám sát rủi ro, cảnh báo sớm; Phòng ngừa và giảm nhẹ; Ứng phó thiên tai và Phục hồi sau thiên tai. Hợp tác về quản lý thiên tai thảm họa giữa ASEAN và các đối tác cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, trong giai đoạn 2 của Hiệp định, các nước trước hết cần tập trung tăng cường quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý thiên tai thảm họa của ASEAN với các kênh liên quan, trong đó có việc khôi phục Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai thảm hoạ; chú trọng hơn đến công tác huy động nguồn lực đểt thực hiện các dự án cụ thể, thực chất; thứ ba là cụ thể hóa các cam kết khu vực ở tầm quốc gia để đảm bảo ASEAN có khả năng ứng phó cao và an toàn trước thiên tai.
Hiệp định ASEAN về quản lý thảm hoạ và ứng phó khẩn cấp là khuôn khổ pháp lý quan trọng cho các nỗ lực tăng cường hợp tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong khu vực. Theo đánh giá, trong những năm gần đây, thiên tai xảy ra đa dạng hơn, không theo quy luật, khó dự báo, với cường độ và phạm vi ngày càng lớn, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên hơn; động đất và sóng thần với sức tàn phá vô cùng lớn đã xuất hiện trong khu vực.
Tại Việt Nam trong vòng 10 năm gần đây, số người chết và mất tích hàng năm do thiên tai khoảng 300 người, nhưng thiệt hại về kinh tế không ngừng tăng, chiếm tới 1,5% GDP. Trong bối cảnh đó, ở cấp độ khu vực, quản lý thảm họa thiên tai luôn là ưu tiên cao của ASEAN cũng như trong hợp tác giữa ASEAN với các đối tác.