Chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định chính sách coi trọng và ưu tiên tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, Việt Nam cùng Thái Lan và các nước ASEAN nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này sẽ nâng tầm quan hệ Việt Nam - Thái Lan lên tầm cao mới, tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau trên các lĩnh vực.
Thay mặt Chính phủ Thái Lan, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sau 20 năm kể từ sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười và được diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước Thái Lan - Việt Nam được nâng lên tầm cao mới - quan hệ đối tác chiến lược.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng lần đầu tiên đến thăm đất nước Thái Lan và được tận mắt chứng kiến những thành tựu to lớn và sự phát triển mạnh mẽ của Vương quốc Thái Lan; đánh giá cao vị thế và vai trò của Thái Lan trong khu vực và trên thế giới; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc phát triển và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Thái Lan, coi đây là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tổng Bí thư nhờ Thủ tướng Yingluck Shinawatra chuyển lời thăm hỏi và lời chúc sức khỏe tới nhà Vua Thái Lan.
Trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước; tập trung trao đổi về các phương hướng, biện pháp lớn nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới; trao đổi ý kiến về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển của quan hệ hai nước trong gần 40 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976, đặc biệt kể từ sau chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào năm 1993. Quan hệ chính trị giữa hai nước được tăng cường với việc thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; quan hệ kinh tế - thương mại phát triển nhanh chóng. Năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt trên 8,6 tỷ USD, tính đến 20/2/2013, Thái Lan có 300 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,12 tỷ USD, đứng thứ 10/99 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong việc góp phần mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan, Thái Lan - Việt Nam với 5 trụ cột chính, bao gồm: Quan hệ chính trị, hợp tác quốc phòng và an ninh, hợp tác kinh tế, hợp tác xã hội văn hóa, hợp tác khu vực và quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhất trí giao cho các cơ quan hữu quan của hai nước phối hợp xây dựng chương trình hành động và lộ trình thực hiện cụ thể để hai Thủ tướng hai nước có thể ký kết tại Hội nghị tháng 10/2013 tại Thái Lan và hướng dẫn các cấp các ngành của hai nước thực hiện.
Hai nhà lãnh đạo thống nhất tiến hành thường xuyên hơn nữa trao dổi đoàn cấp cao và các cấp trong thời gian tới nhằm tăng cường tình hình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý đất nước, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa hai đảng cầm quyền, Quốc hội hai nước là cơ sở chính trị quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển. Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết mở rộng và tăng cường giao lưu nhân dân một cách phong phú, thiết thực, hiệu quả, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước.
Hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác kinh tế, gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều mỗi năm lên 20% để đạt mục tiêu 15 tỉ USD vào năm 2020; thúc đẩy sớm ký và triển khai Thỏa thuận hợp tác lao động. Theo đó, Thái Lan sẽ nhận lao động Việt Nam sang làm việc ở Thái Lan đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối giao thông theo trục hành lang Đông - Tây trong đó có tuyến đường 8 và số 12. Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Thái Lan, khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hóa dầu, thăm dò và khai thác dầu khí.
‘ Ảnh: VTV News
Tại cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên nhất trí cho rằng sau hơn 45 năm kể từ ngày thành lập, ASEAN không ngừng trưởng thành, có mức độ gắn kết và liên kết ngày càng tăng cả trong nội khối, cả với các nước ngoài khu vực, thể hiện uy tín cao trong đời sống chính trị quốc tế. Tuy nhiên, ASEAN cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức không nhỏ. Việt Nam, Thái Lan và các nước thành viên ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết và hợp tác, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh vào năm 2015, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ lo ngại về những diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông; mong muốn các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố Ứng xử của các bên ở biển Đông DOC, Tuyên bố 6 điểm của ASEAN; nhất trí sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông COC, nhằm đảm bảo hòa bình an ninh và an toàn, tự do hàng hải ở biển Đông.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo mà Chính phủ và nhân dân Thái Lan dành cho Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, trân trọng mời Thủ tướng Yingluck Shinawatra thăm lại Việt Nam vào thời gian thích hợp. Thủ tướng Yingluck Shinawatra chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.