Nét đặc trưng của Giao thừa ở Trung Quốc

Việt Nữ -Thứ sáu, ngày 31/01/2014 00:38 GMT+7

Cùng với các nước châu Á khác, người dân Trung Quốc cũng tưng bừng đón Tết Nguyên Đán. Không đổ ra đường như người dân Mỹ hay Châu Âu, vào đêm giao thừa, người dân Trung Quốc thường quây quần trong nhà đón Tết với những nét văn hóa đặc sắc riêng. Sau đây là những ghi nhận của phóng viên VTV tại một gia đình ở Thủ đô Bắc Kinh.

Căn nhà vốn tĩnh lặng của ông bà Tôn vào ngày cuối cùng của năm mới náo nhiệt hẳn lên bởi các anh chị em của ông bà cùng con cháu đã về đoàn tụ đông đủ. Theo truyền thống của người dân Trung Quốc, sau bữa cơm tất niên, gia đình ông lại cùng nhau gói sủi cảo. Người cán bột, người làm nhân, nặn bánh... Đây cũng là lúc mọi người ôn lại chuyện cũ, kể chuyện mới.

‘ Sủi cảo là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Giao thừa của người dân Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Ông Tôn Bồi Hồng - Người dân Bắc Kinh cho biết: "Năm nào đến ngày 30 Tết chúng tôi cũng tụ họp lại cùng làm sủi cảo để tống cựu nghinh tân. Đây là món truyền thống của người dân chúng tôi, xuất hiện từ thời Đông Hán do một vị danh y phát minh. Ngày xưa, mọi người ăn bánh sủi cảo như một bài thuốc Trung y vì sợ mùa đông lạnh cóng, còn bây giờ, chúng tôi ăn bánh này chủ yếu mang ý nghĩa đoàn viên và hạnh phúc. Chiếc bánh có hình rất giống như hình nén bạc thời cổ nên nó cũng có ý nghĩa là phát tài, phát lộc”.

Còn bà Lý Tuệ Anh - Vợ ông Tôn Bồi Hồng chia sẻ: "Ngày thường, chỉ có tôi và ông ấy ở nhà thôi. Các con cháu đều ở xa hết rồi. Ở Trung Quốc, ngày 30 Tết mọi nhà đều làm bánh sủi cảo giống như nhà tôi, mọi người trong nhà đoàn tụ, vừa làm vừa vui cười nói chuyện với nhau, cảm thấy rất vui và hạnh phúc”.

Sủi cảo thường được gói theo hình bán nguyệt, dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ của tay phải viền theo diềm bán nguyệt gọi là “viền Phúc”. Trong khi nấu, thường là phải cho thêm 3 lần nước lạnh, vì trong tiếng Trung Quốc, từ này đồng âm với “phúc đi rồi lại đến”. Đêm giao thừa, quây quần cùng người thân bên chiếc TV vừa thưởng thức chương trình đặc biệt mừng xuân đêm 30, vừa ăn sủi cảo là nét văn hóa truyền thống của người dân Trung Quốc.

Sủi cảo là món ăn biểu tượng sự may mắn và đoàn tụ của gia đình, nhất định phải có trong ngày Tết của người dân Trung Quốc. Sủi cảo phát âm tiếng Trung là “jiao zi” (giảo tử - bánh xếp miếng) trùng âm với “jiao zi” (giao tử) có nghĩa là giao thừa, thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Do vậy trong đêm cuối cùng của một năm, hầu hết các gia đình Trung Quốc đều cùng nhau ăn “jiao zi” để cầu cho một năm mới bình an, may mắn và hạnh phúc.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước