Chiến lược phục hưng nền kinh tế Nhật Bản được Thủ tướng Abe tiến hành sau khi ông trở lại làm Thủ tướng cách đây 18 tháng, bao gồm 3 mũi, được thực hiện từng bước, bao gồm nới lỏng chính sách tiền tệ, kích thích tài khóa và giai đoạn cuối cùng (mũi tên thứ ba) là cải cách hệ thống.
Tuy nhiên thay vì tiến hành cuộc cải cách toàn diện, bản kế hoạch “Mũi tên thứ ba” của Thủ tướng Abe đã quyết định chọn cách tiếp cận dè dặt hơn, đó là một danh sách giới hạn các thay đổi về quy định và luật pháp. Giới phân tích cho rằng đó là để vượt qua những sự kháng cự từ nhóm lợi ích trong chính trường Nhật Bản.
Một trong những cải cách nhận được chú ý nhiều nhất là đề xuất cắt giảm thuế doanh nghiệp, xuống dưới mức 30% từ mức 35% hiện nay. Thủ tướng Abe tin rằng doanh nghiệp Nhật Bản đang từng bước lấy lại sức cạnh tranh của mình. Ông nói: “Sự gia tăng doanh thu của các doanh nghiệp đang tạo ra thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Những chuyển động tích cực của nền kinh tế đã bắt đầu hiện hữu”.
‘ Thủ tướng Shinzo Abe
Bản chiến lược cải cách trong dài hạn của Nhật Bản còn bao gồm cả kế hoạch gia tăng tuyển dụng các lao động nước ngoài có trình độ cao, đồng thời nới rộng các chương trình đào tạo lao động nước ngoài vốn gây nhiều tranh cãi.
Tuy nhiên Thủ tướng Abe cũng nhấn mạnh chính sách cho người nước ngoài nhập cư dài hạn hiện còn cần được suy xét một cách kỹ lưỡng. “Trong vấn đề chấp nhận thêm người nhập cư, chúng ta đã thấy được những bài học khó khăn từ các nước khác. Vì thế mà chúng ta cần thận trọng trong vấn đề này”.
Chương trình cải cách kinh tế của Nhật Bản được các nhà phân tích cho là khá giống với những chính sách giúp nước này thoái khỏi Đại suy thoái hồi 1930.
Bản chiến lược cải cách cơ cấu lần này càng được chờ đợi hơn, trong lúc sự tin tưởng vào chính sách cải cách kinh tế của Thủ tướng Abe (Abenomics) đã không còn được như trước. Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đã giảm 8% kể từ đầu năm.