Nhật Bản và chuyến công du tìm kiếm vị thế của Thủ tướng Abe

VTV-Chủ nhật, ngày 04/05/2014 17:23 GMT+7

Nhận định về chuyến công du tới 6 quốc gia châu Âu của Thủ tướng Nhật Bản – Shinzo Abe, ông Trần Việt Thái – chuyên gia Viện Nghiên cứu Chiến lược – Bộ Ngoại giao khẳng định đây là chuyến thăm đặt nội dung kinh tế lên hàng đầu.

Trao đổi tại trường quay Toàn cảnh thế giới về ý nghĩa chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Nhật Bản, ông Trần Việt Thái cho rằng việc lựa chọn thời điểm công du là rất khôn ngoan và hợp lý vì Nhật Bản đã chọn đúng lúc châu Âu đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine.

“Chuyến thăm còn thể hiện rõ sự cạnh tranh chiến lược, đặc biệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản, không chỉ ở Đông Á mà còn ở châu Âu. Khi châu Âu có cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cả Trung Quốc và Nhật đều tìm cách tranh thủ cơ hội. Chuyến thăm này diễn ra không lâu sau chuyến thăm 4 nước châu Âu của chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Và có một sự cân đối và nội dung thực chất của chuyến thăm về kinh tế và an ninh quốc phòng” – ông Trần Việt Thái nhận định.

‘ Ông Trần Việt Thái khẳng định nội dung kinh tế chiếm vị trí hàng đầu trong chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Nhật Bản

Chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Abe diễn ra ngay sau khi ông đón tiếp Tổng thống Obama và nhận được lời cam kết mạnh mẽ từ Washington về việc bảo đảm an ninh cho nước này nhưng lại không nhận được sự nhất trí về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nhật Bản với châu Âu lại rất được coi trọng ở trong lĩnh vực kinh tế và hai bên đang tiến tới một hiệp định thương mại tự do.

Khi được hỏi: “Liệu có thể nói, qua chuyến công du châu Âu này, Thủ tướng Abe muốn tìm kiếm một sự đảm bảo cho thành công của chính sách phục hồi kinh tế Nhật Bản?”, ông Trần Việt Thái cũng khẳng định là đúng và cho rằng nội dung kinh tế chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, nói lên tính thực chất của chuyến công du châu Âu.

“Đối với Nhật, Mỹ và châu Âu cũng có điểm khác biệt và có những đặc tính riêng. Mỹ quan trọng đối với Nhật cả về an ninh và kinh tế vì Mỹ vừa là đối tác kinh tế, vừa là đồng minh, vừa là “chiếc ô bảo hộ”, vừa là “hòn đá tảng” của Nhật. Trong khi đó, châu Âu quan trọng với Nhật về kinh tế nhưng về mặt bảo hộ an ninh lại dựa vào Mỹ. Do vậy, Nhật tập trung vào nội dung kinh tế trong chuyến thăm này cũng là điều dễ hiểu.

Hiện nay, châu Âu đang đàm phán với Nhật về hiệp định đối tác kinh tế. Theo đó, phía Nhật muốn châu Âu mở cửa thị trường đối với các sản phẩm công nghiệp, nhất là ô tô. Còn châu Âu muốn Nhật mở cửa hơn nữa thị trường nông sản, đặc biệt như sữa, bơ, pho-mát...

Còn trong chuyến công du tới mỗi nước, Nhật cũng có những mục tiêu kinh tế riêng. Rõ ràng, ông Abe đang muốn tranh thủ thị trường cũng như tiềm năng kinh tế của châu Âu ở thời điểm hiện tại để phục vụ cho chính sách kinh tế tại Nhật Bản” – ông Trần Việt Thái phân tích.

‘ “Trong vòng 10 - 20 năm nữa, nước Nhật có thể đóng vai trò lớn hơn và năng động, tích cực hơn”

Nếu hiểu rộng ra, việc Thủ tướng Nhật Bản thăm châu Âu ngay sau khi đón tiếp Tổng thống Mỹ Obama nằm trong một kế hoạch tổng thể của chính phủ Nhật Bản nhằm xây dựng một nước Nhật Bản mới có vị thế, vai trò và ảnh hưởng ở khu vực cũng như trên thế giới. Phân tích về những sự thay đổi của Tokyo trong thời gian tới, ông Trần Việt Thái nói: “Đúng là nước Nhật đang thay đổi, cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nước Nhật đang phải thay đổi rất mạnh mẽ để thích nghi với bối cảnh hội nhập quốc tế và người Nhật đã ý thức được vấn đề đó.

Bên ngoài, Nhật Bản đã điều chỉnh rất mạnh mẽ chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng để có thể đóng vai trò ngày càng năng động và tích cực hơn. Hầu hết các học giả tôi được tiếp xúc đều cho rằng, trong 10 – 20 năm nữa, nước Nhật chắc chắn sẽ có vai trò lớn hơn, năng động, tích cực hơn nhưng ở mức độ nào thì chưa ai có thể khẳng định.

Nhật Bản đang là một quốc gia có sự phát triển hàng đầu, thực sự dân chủ, người Nhật đặc biệt hối hận về những sai lầm trong quá khứ khi đã gây ra chiến tranh và họ rất ân hận về những hậu quả to lớn mà thế giới, khu vực và bản thân họ phải gánh chịu. Họ cũng công khai tuyên bố rằng sẽ không bao giờ gây chiến trở lại…”.

Để lắng nghe rõ hơn những phân tích của ông Trần Việt Thái về chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Nhật Bản, quý vị và các bạn có thể theo dõi qua cuộc trao đổi sau đây:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước