Thất nghiệp lên mức kỷ lục tại Hy Lạp

Trần Hà-Mạnh Chiến-Thứ bảy, ngày 19/01/2013 08:47 GMT+7

Ảnh: VTV

Ra nước ngoài tìm việc đang trở thành phong trào tại Hy Lạp khi thống kê cho thấy, cứ hai người thì một người trẻ tại Hy Lạp kiếm việc ở nước ngoài.

Theo Cơ quan thống kê quốc gia Hy Lạp, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng lên mức kỷ lục (gần 27%) vào tháng 10/2012 trong bối cảnh Hy Lạp vẫn đang trong chìm sâu trong tình trạng suy thoái kinh tế. Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp đã tăng gần gấp ba kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công bùng phát mạnh mẽ vào năm 2009, còn nếu tính riêng thì tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ của Hy Lạp đã tăng lên gần 60%.

Trên một con phố sầm uất tại thủ đô Athens, Hy Lạp, nếu không nhìn vào cánh tay đang chìa ra của một người đàn ông, có lẽ không ai tin rằng họ đang xin tiền. Và nếu không hỏi, cũng không thể biết rằng, họ bất đắc dĩ phải đi xin ăn cho con trai đang ốm. Người vợ xấu hổ cứ quay mặt đi khi phóng viên hỏi:

- “Anh chị có nhà không?

- "Không"

- "Việc làm thế nào?"

- "Cũng không”.

Trên một quảng trường ngay tại trung tâm của Athens, nếu không tình cờ trò chuyện, tôi cũng không thể biết rằng, người phụ nữ bán vé số bên cạnh vốn là nhân viên khách sạn vừa bị mất việc cách đây hai tuần, cả chị và chồng chị. “Mới cách đây hai tuần thôi, tôi còn là một nhân viên khách sạn, chồng tôi là công nhân xây dựng, nhưng không may cùng lúc cả hai đều bị mất việc. Không biết tính sao với hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học bây giờ”, chị Ioanna, người dân Athens nói.

Thất nghiệp đang trở thành nỗi ám ảnh với Athens và trên toàn đất nước Hy Lạp. Tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp đang cao nhất trong lịch sử và lớp trẻ đang là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Radou Lydia, 26 tuổi đang gấp rút học nốt vài buổi tiếng Đức rồi sẽ sang Áo để tìm việc. Dù có hai bằng Đại học đều loại khá, trong đó có 1 bằng Thạc sĩ kinh tế, nhưng đã hai năm nay, vật vã với hàng trăm lá đơn xin việc, đi đâu cô cũng bị người ta cũng lắc đầu. “Hy Lạp không có chỗ cho lớp trẻ như chúng tôi nữa rồi, ra nước ngoài là lựa chọn cuối cùng lúc này. Tôi có 5 anh chị em họ họ đều đã đi cả rồi. Hiện đã có 3 người tìm được việc, 2 ở Anh, 1 ở Pháp. Tôi thực sự không muốn nhưng cũng phải đi”.

“Hy Lạp đang mất đi một lượng chất xám khổng lồ vốn rất rất cần cho nước này kể cả trong và sau khủng hoảng”, ông Petros Diplas, chuyên gia Kinh tế của Hy Lạp chia sẻ. Tuy nhiên ông cũng cho rằng, có khi điều này lại tốt hơn cho lớp trẻ, vì sẽ rèn cho họ có ý chí vươn lên.

Ông Petros Diplas cũng cho biết: “Ở Hy Lạp, những nhân viên nhà nước rất được chiều chuộng, Họ làm ít giờ, thậm chí có những nơi chỉ đến đánh trống ghi tên rồi về, nhưng lại hưởng lương và các phúc lợi xã hội lớn. Nếu lớp trẻ được làm ở những nơi này, họ sẽ dễ an phận và cũng chẳng cống hiến được nhiều”.

Chỉ hai ngày nữa cô gái trẻ Lydia sẽ quay trở lại Áo tìm việc, vì trước đó cô đã gần nhận được việc ở Áo, song phía Áo yêu cầu phải biết tiếng Đức nên cô đã mất 3 tháng về Athens học tiếng. Chưa chắc công việc đó còn đợi cô, song Lydia tin rằng cô sẽ tìm được việc làm, dù có phải tiếp tục ngồi viết thêm 100 lá đơn xin việc khác.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước