Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Pháp, làm việc tại Hoa Kỳ và LHQ

Thời sự VTV-Chủ nhật, ngày 29/09/2013 21:43 GMT+7

 Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Chính thức Cộng hòa Pháp, làm việc tại Hoa Kỳ và tham dự Phiên Thảo luận Cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 68.

Trong suốt nghị trình dày đặc, chuyến thăm đã để lại dấu ấn lịch sử trong hoạt động đối ngoại sôi động của năm với việc: Việt - Pháp nâng tầm quan hệ lên đối tác Chiến lược; Việt Nam chính thức tuyên bố tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ; Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế - hai định chế tài chính lớn nhất thế giới cam kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết đối với quá trình cải cách và phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Chính phủ Pháp đã dành một lễ đón trọng thể cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phái đoàn Việt Nam tại Điện Invalides. Năm nay là tròn 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng mối duyên nợ lịch sử không ít thăng trầm của hai quốc gia thì có từ trước đó rất lâu. Tuy nhiên, sự tin tưởng giữa hai quốc gia, vốn đã được thử thách đã dẫn đến một quyết định lịch sử của lãnh đạo hai nước, một khởi đầu mới cho quan hệ song phương.

‘ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Jean-Marc Ayrault ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Jean-Marc Ayrault đã đặt bút ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp, chính thức đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Với việc xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược với Cộng hòa Pháp, Việt Nam đã hoàn tất một nỗ lực đối ngoại không mệt mỏi, khi đến nay đã xây dựng quan hệ Đối tác Chiến lược và Đối tác toàn diện với cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Liên bang Nga, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Pháp.

Không những tạo ra bước đột phá mới cho quan hệ song phương, Đối tác Chiến lược Việt - Pháp còn thể hiện ở việc hai quốc gia sẽ đồng hành trong nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu. Tuyên bố của Thủ tướng Pháp Jean- Marc Ayrault về vấn đề Biển Đông trong cuộc Họp báo chung sau khi kết thúc Hội đàm giữa hai Thủ tướng đã cho thấy rõ điều này.

Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault, cho biết: “Nước Pháp ủng hộ việc tự do lưu thông trên Biển Đông, tôn trọng nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và mong các bên đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Việc tự do lưu thông trên biển, đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông, chúng tôi thấy rằng có nhiều nước có chung quan điểm với Việt Nam… Vấn đề Biển Đông cần được giải quyết như tôi đã nói qua con đường đối thoại, tôn trọng luật pháp quốc tế, điều mà chúng tôi thấy lộ trình xây dựng Bộ COC là hoàn toàn phù hợp”.

Ủng hộ lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm chỉnh DOC và sớm xây dựng COC, Pháp và Việt Nam còn khẳng định sự gắn bó của hai nước đối với các định chế đa phương, trong đó LHQ có vai trò trung tâm trong việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế với niềm tin tưởng cả hai nước sẽ cùng góp phần ngăn ngừa sự can dự mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng; ngăn chặn những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế mang tính chất áp đặt và chính trị cường quyền, tất cả vì hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển và thịnh vượng trên thế giới.

Ở mức độ này, quan hệ hai nước thực sự đã được đặt trên nền tảng của niềm tin chiến lược. Niềm tin chiến lược - một khái niệm được Việt Nam lần đầu tiên đưa ra tại Đối thoại Shangri La đã trở thành một trong những nội dung trong cuộc đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp - một cơ quan nghiên cứu độc lập nổi tiếng của Pháp và thế giới chuyên tổ chức các cuộc nghiên cứu, tranh luận về các vấn đề quốc tế.

Chủ tịch Hiệp hội công chức quốc tế Pháp hỏi: “Thưa Ngài Thủ tướng, Ngài chọn và dùng chữ Niềm tin Chiến lược, Ngài nói về xây dựng niềm tin chiến lược của mối quan hệ Pháp và Việt Nam, vậy quan điểm của Ngài về niềm tin chiến lược đó như thế nào?”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay: “Mọi bất hạnh trên thế giới này có lẽ từ chỗ chưa hiểu nhau, chưa có lòng tin với nhau, muốn bảo đảm được hòa bình, hợp tác phát triển cùng thịnh vượng, ngăn ngừa chiến tranh thì trước hết thì phải có lòng tin chiến lược chân thành giữa các quốc gia. Nhưng lòng tin đó phải được xây dựng trên cơ sở luật pháp quốc tế, đó là điều tiên quyết. Hai là phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của mọi quốc gia, không thể lấy chuẩn mực của quốc gia này áp đặt cho dân tộc khác. Tôi cho rằng lòng tin chiến lược sẽ ngăn ngừa được chiến tranh, gìn giữ được hòa bình”.

‘ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ủng hộ quan hệ với Việt Nam cũng như quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông và nhiều vấn đề quốc tế khác cũng là một trong những nội dung trong đổi trong các cuộc Hội kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Chủ tịch Thượng viện Pháp Jean-Pierre Bel và tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Le Drain. Ủng hộ quan hệ đối tác chiến lược song phương, cả Tổng thống và Chủ tịch Thượng viện Pháp đều khẳng định sẽ cùng Việt Nam đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao đến kinh tế, thương mại đầu tư, từ hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật cho đến an ninh - quốc phòng.

Trong những ngày ở Pháp, trong hàng loạt các cuộc gặp, đối thoại, tiếp xúc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với chính giới, những người bạn Pháp và cộng đồng doanh nghiệp nước này, thông điệp về niềm tin, mối quan hệ đối tác chiến lược vừa được thiết lập giữa hai quốc gia luôn được nhắc đến như một thành công trong chuyến thăm lịch sử này.

Kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn Đại biểu Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ - một mối quan hệ vừa được nâng tầm lên đối tác toàn diện. Trong cuộc gặp với Thủ tướng, Ngoại trưởng John Kerry cho biết Tổng thống Barack Obama rất quan tâm đến những tiến triển trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ, đồng thời cảm ơn Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ và tích cực nỗ lực trong tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Hy vọng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Obama sẽ có cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Brunei vào tháng 10 tới, để trao đổi về quan hệ song phương.

‘ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng liên quan đến quan hệ hai nước, trong các cuộc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman và đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu nước này, thông điệp về tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước đã trở nên mạnh mẽ hơn, với việc quan hệ hai nước đã được nâng cấp cũng như triển vọng sớm hoàn thành và ký kết TPP. Việt Nam cũng nhận được cam kết của phía Hoa Kỳ trong việc ghi nhận, xem xét và có biện pháp phù hợp để xử lý các tranh chấp thương mại giữa hai nước.

Tại Thủ đô Washington, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có các cuộc làm việc với hai định chế tài chính lớn nhất thế giới là Ngân hàng Thế giới - WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF. Tại cuộc làm việc với Ban lãnh đạo IMF, lãnh đạo tổ chức này đã chúc mừng Chính phủ Việt Nam về những tiến bộ trong khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giảm nghèo, tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời khẳng định IMF sẽ đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam để thực hiện các chính sách đang thực hiện cũng như chương trình cái cách dài hạn.

Bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) , cho biết: “Chúng tôi đã bàn về các vấn đề kinh tế. Quyết tâm cải thiện nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam khiến tôi đặc biệt ấn tượng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho thấy ông thực sự am tường về toàn bộ tình hình. Chúng tôi cũng thảo luận về quyết tâm của Thủ tướng đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo và ổn định nền kinh tế thông qua đồng thời cả hai yếu tố: Thứ nhất là ổn định tài chính, chính sách tiền tệ; thứ hai là tiếp tục cải tổ hệ thống ngân hàng và khối doanh nghiệp nhà nước. Như vậy là với cả chiến lược cải tổ tổng thể đang được thực thi hy vọng Việt Nam sẽ vừa đạt được sự ổn định, vừa hy vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng từ mức hơn 5% hiện nay”.

Tại Ngân hàng Thế giới, Tổ chức này cũng đánh giá cao các kết quả ổn định nền kinh tế vừa qua của Việt Nam cũng như những thành tựu về tăng trưởng và giảm nghèo. WB đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho Việt Nam trong giai đoạn 3 năm tới cho các mục tiêu ổn định vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao năng lực thể chế quốc gia và theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững về môi trường.

Bà Sri Mulyani Indra Wati, Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết: “Đầu tiên, tôi muốn chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã có thể bình ổn được nền kinh tế, thể hiện rõ ràng ở việc lạm phát đã được giảm về 6% thay vì hơn 10% như năm trước. Đây là một thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là trong chính sách tiền tệ. Tôi biết rằng đây là một quá trình thương đau nhưng việc bình ổn là cần thiết…. Về vấn đề hỗ trợ của WB, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, cả về việc hoạch định chính sách, cải thiện hiệu quả hoạt động của các cơ chế kinh tế lẫn việc cung cấp tài chính ưu đãi… Chắc chắn là việc hỗ trợ Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong khuôn khổ của IDA 16. IDA17 thì đang trong quá trình đàm phán, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được những thành tựu cả về tăng trưởng, giảm nghèo lẫn hiệu quả sử dụng nguồn vốn viện trợ, tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đủ tiêu chuẩn để nhận hỗ trợ trong khuôn khổ IDA17”.

‘ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc - Ảnh: TTXVN


Nếu như thành tựu giảm nghèo của Việt Nam được WB va IMF đánh giá cao thì giảm đói nghèo cũng là một nội dung quan trọng trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp quốc khóa 68 với chủ đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo”. Chia sẻ với cộng đồng quốc tế rằng các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ là nỗ lực chống đói nghèo thành công nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, chiến tranh, bạo lực, tranh chấp chủ quyền và rất nhiều thực trạng, nguy cơ khác đang đe dọa các nỗ lực bảo vệ hòa bình, thúc đẩy hợp tác, xóa đói nghèo của thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc bài phát biểu của mình bằng niềm tin rằng “Chương trình nghị sự vì phát triển sau năm 2015” - chủ đề chính của phiên thảo luận năm nay sẽ được hoàn thiện hướng tới một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo. Tất cả vì hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng.

Khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, xây dựng, có trách nhiệm trong khu vực và của cộng đồng quốc tế, tất cả nỗ lực của Việt Nam là vì mục tiêu hòa bình, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển. Thông điệp này một lần nữa được cộng đồng quốc tế chia sẻ và chúc mừng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa đề cập lòng tin chiến lược giữa các quốc gia phải không ngừng được vun đắp bằng thái độ chân thành và những hành động thiết thực, cụ thể; xung đột, chiến tranh chỉ có thể được ngăn chặn khi những hành động trái với Hiến chương LHQ, trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền... phải được đấu tranh loại bỏ. Hòa bình chỉ có thể được gìn giữ khi các quốc gia tôn trọng độc lập chủ quyền và truyền thống văn hóa của nhau, không áp đặt tiêu chuẩn đạo đức lên nhau; khi vai trò của Liên Hiệp quốc, của Hội đồng bảo an được phát huy...

Có thể thấy, xuyên suốt từ chuyến thăm chính thức cộng hòa Pháp đến làm việc với các tổ chức tài chính lớn tai Hoa Kỳ và cuối cùng là bài phát biểu quan trọng trước Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mang một thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam về xây dựng lòng tin chiến lược, về sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam đối với thế giới, về trách nhiệm của Việt Nam trong việc gánh vác, dù với một sức vóc còn hạn chế của mình đối với những vấn đề chung của thế giới. Trong các mối quan hệ song phương và đa phương, Việt Nam đã, đang và tiếp tục thể hiện tinh thần này

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước