Trung Quốc sử dụng Internet chống tham nhũng

Ngọc Chí-Thứ ba, ngày 10/12/2013 23:51 GMT+7

Trung Quốc đang tích cực sử dụng mạng Internet để tiếp nhận tố giác của người dân.

Vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh chống tham nhũng là vô cùng quan trọng, tuy nhiên, khi tham gia vào công tác này thì người dân lại chịu rất nhiều thiệt thòi, không chỉ đối mặt với rủi ro do người bị tố giác gây ra mà còn mất nhiều thời gian, thậm chí là tiền bạc.

Và để tạo thuận lợi và huy động ngày càng nhiều quần chúng tham gia đấu tranh chống tham nhũng, Trung Quốc đang tích cực sử dụng mạng Internet để tiếp nhận tố giác của người dân. Điều này không chỉ huy động sức mạnh của nhân dân vào công tác đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, mà cả công tác phòng ngừa, là cơ chế để người dân giám sát các cán bộ, Đảng viên.

Ba tháng trước, ông Vương Kỳ Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban kỷ luật Trung ương Đảng Công sản Trung Quốc chính thức ấn nút khai trương trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, cơ quan phụ trách chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Điểm đặc biệt của trang mạng này là mục tiếp nhận tố giác của người dân nằm ở vị trí nổi bật nhất. Người dân có thể xưng danh hoặc ẩn danh để tố giác các hành vi tiêu cực, tham nhũng của các quan chức, Đảng viên mà mình phát hiện.

Điều mà người dân tin tưởng là họ có thể tra cứu tiến trình xử lý vụ việc mà mình tố giác ngay trên chính trang mạng này. Chỉ 1 tháng sau khai trương, đã có gần 25 ngàn lượt tố giác của người dân được gửi qua trang mạng này. Trung bình mỗi ngày hơn 800 vụ. Đến nay, nhiều cơ quan như Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và mới đây nhất là Ban Tổ chức Trung ương Trung Quốc đã khai trương kênh tiếp nhận tố giác tham nhũng, tiêu cực của người dân qua mạng Internet. Tất cả các trang web lớn đều có kết nối liên kết với các trang tiếp nhận tố giác của các cơ quan liên quan để tạo thuận lợi cho người dân.

Anh Vương Đông Lâm, người dân Bắc Kinh cho biết: "Nhà nước chúng tôi hiện nay đã khai thông tiếp nhận tố giác tham nhũng, tiêu cực qua mạng, tôi thấy rất là tiện lợi".

Giáo sư Tân Hướng Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói: "Có thể nói, Đảng chúng tôi đã tận dụng tốt kỹ thuật thông tin Internet để đấu tranh chống tham nhũng. Đây được coi là một biện pháp đấu tranh hiệu quả trong gian đoạn hiện nay. Sử dụng tốt biện pháp này, tôi cho rằng, Internet còn phát huy vai trò lớn hơn nữa trong thời gian tới".

Tiện lợi, nhanh chóng, không tốn nhiều thời gian và tiền bạc, việc tiếp nhận tố giác của người dân qua mạng Internet, không chỉ huy động được quần chúng trong đấu tranh chống tham nhũng mà điều quan trọng hơn là đã tạo một cơ chế để người dân giám sát các "công bộc của dân".

"Hiện nay, nhiều quan chức đi ăn cơm, nhân viên phục vụ nhà hàng liền gửi đi một tin nhắn lên mạng
Internet rằng thị trưởng này, quan chức nọ đi ăn với ai đó. Lập tức Ủy ban kiểm tra kỹ luật sẽ cử người đến kiểm tra là dùng tiền cá nhân hay tiền công, tại sao người ta mời anh ăn cơm... Nhiều quan chức hiện nay rất thận trọng và đi ăn cơm cũng không dám gửi xe. Như vậy là đã huy động được người dân vào việc giám sát các quan chức. Khi mà các quan chức đã rất thận trọng thì tỉ lệ và cơ hội để tham nhũng sẽ giảm đi", Giáo sư Tân Hướng Dương cho biết thêm.

Rất nhiều quan chức đã bị sa lưới nhờ tố giác của người dân qua các trang mạng chính thức hoặc mạng xã hội. Tuy nhiên, làm thế để hạn chế mặt tiêu cực của Internet trong đấu tranh chống tham nhũng cũng đang là vấn đề lớn đối với Trung Quốc hiện nay.

Chỉ cần một máy tính hoặc một điện thoại có nối mạng Internet là người dân Trung Quốc có thể tố giác được các hành vi tiêu cực, tham nhũng của các quan chức đến các cơ quan chức năng. Điều này không chỉ huy động được sức mạnh của người dân trong đấu tranh mà cả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, tạo ra cơ chế để nhân dân giám sát các "công bộc" của mình.

Mời quý vị khán giả xem Video chi tiết.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước