Trong một nỗ lực nhằm giải tỏa những căng thẳng trong xã hội, Chính phủ Ukraine đã tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách liên kết châu Âu. Một lộ trình về thời hạn và điều kiện ký kết Hiệp định liên kết và thành lập khu vực thương mại tự do giữa hai bên đã được nhất trí trong cuộc cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Ukraine và Cao ủy châu Âu phụ trách mở rộng liên minh và chính sách láng giềng. Tuy nhiên, những người biểu tình tỏ ra không mấy tin tưởng vào tuyên bố này và vẫn tiếp tục các cuộc biểu tình chống Chính phủ trên đường phố.
Việc Ukraine đứng trước ngã ba đường giữa việc lựa chọn tăng cường liên kết với Nga hay tiến tới với EU đang thực sự là một bài toán khó đối với chính quyền Kiev và nó đang là nguyên nhân cho những cuộc biểu tình đường phố trong suốt 3 tuần qua tại nước này.
‘ Biểu tình ở Ukraine đã tiếp diễn trong nhiều tuần lễ và chưa có lối ra. (Ảnh: Getty)
Quyết định tạm dừng hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hoạt động biểu tình hơn 20 ngày qua tại Kiev. Phe đối lập phản đối quyết định của Chính phủ “bỏ” EU và nối lại đàm phán thương mại với Nga. Chính quyền Ukraine khẳng định mục đích là tìm kiếm con đường liên kết hai mối quan hệ đó vì lợi ích của nhân dân.
GS. TS. Leonid Vardomsky, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các quốc gia hậu Xô Viết, Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm khoa học Nga cho biết: “Thực tế thì không phải Ukraine từ chối hội nhập với Liên minh châu Âu, chỉ là trì hoãn tiến trình này để nhìn nhận và đánh giá lại những được và mất khi tham gia vào tổ chức này. Những nghi ngại có thể là đúng, nhưng việc thay đổi mọi thứ ở phút chót lại là cú sốc đối với nhiều người dân, chủ yếu ở phía Tây đất nước”.
Trong không gian hậu Xô Viết, Ukraine là đất nước có đặc thù riêng, với sự phân chia thể hiện khá rõ. Phía Đông hướng về Nga, và phía Tây hướng về châu Âu. Bên cạnh đó, những tính toán về chính trị và kinh tế cũng khiến Chính quyền Ukraine luôn đứng trước sự lựa chọn hóc búa.
“Sẽ phải có một giải pháp tối ưu cho mối quan hệ tay ba giữa EU, Nga và Ukraine. Nhanh không phải lúc nào tốt. Có thể về mặt địa chính trị, đối với EU, hội nhập và kiểm soát là điều cần thiết. Nhưng nhìn từ góc độ kinh tế, đó có thể lại là tổn thất đối với một quốc gia”, GS. TS. Leonid Vardomsky cho biết thêm.
Làn sóng biểu tình chống chính quyền tại Kiev vẫn chưa có nhiều dấu hiệu lắng xuống, nhất sau khi một số quan chức nước ngoài có mặt trong sự kiện biểu tình. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin kêu gọi các nước châu Âu “không can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine”.
Đến thời điểm này Chính quyền Ukraine vẫn đang kêu gọi đối thoại dân tộc, và tuyên bố đang tiếp tục tìm cách hài hòa các mối quan hệ, trong đó có quan hệ với Liên minh châu Âu và với Nga.
Quý độc giả quan tâm tới vấn đề này có thể theo dõi lại video dưới đây: