Việt Nam với chương trình nghị sự APEC thế kỷ 21

Thùy Trang-Thứ sáu, ngày 15/11/2013 22:15 GMT+7

 Sáng 15/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị quốc tế với chủ đề “APEC trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thế kỷ 21”. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị.

Hội nghị tập trung thảo luận chương trình nghị sự của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ 21, trong đó có sự tham gia của Việt Nam. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm tròn 15 năm Việt Nam gia nhập APEC. Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu trong và ngoài nước, các chuyên gia và nhà nghiên cứu hàng đầu khu vực. Các phát biểu và tham luận xoay quanh nội dung chính là Cục diện châu Á - TBD thế kỷ 21, chương trình nghị sự tương lai của APEC và sự tham gia của Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu: “Trên tổng thể toàn cầu, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển là xu thế nổi trội, theo hướng đa trung tâm, đa tầng nấc. Châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới, là khu vực phát triển năng động nhất với phạm vi và mức độ liên kết ngày càng sâu rộng. Trong xu hướng chuyển dịch trọng tâm chính trị - kinh tế toàn cầu về châu Á - Thái Bình Dương, APEC đang bước vào một giai đoạn có ý nghĩa then chốt, với những cơ hội to lớn để gia tăng tiềm lực và vị thế quốc tế”.

Một trong những trọng tâm hợp tác của APEC là thúc đẩy tự do hóa thương mại tại khu vực châu Á - TBD, hiện được kỳ vọng có thể trở thành động lực thúc đẩy tiến trình tự do hóa thương mại trên phạm vi thế giới vốn rơi vào bế tắc trong những năm gần đây, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.

‘ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh TTXVN

Ông Tan Jian, Trưởng đoàn quan chức cao cấp Trung Quốc về APEC cho hay: “Với Mục tiêu Bogor do APEC đề ra, APEC và châu Á đang dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, chẳng hạn như năm 2012, APEC đã đạt được thỏa thuận về danh mục hàng hóa và dịch vụ môi trường, một lĩnh vực mà Tổ chức Thương mại thế giới chưa đạt nhiều tiến triển. Vì vậy, tôi đánh giá cao những gì APEC đã đạt được”.

Đại sứ Valery Sorokin, Trưởng đoàn quan chức cao cấp LB Nga về APEC nói: “Các cuộc thảo luận ngày hôm nay cho thấy tất cả đều nhất trí rằng các sáng kiến hội nhập khu vực với các cơ chế khác nhau như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Đối tác kinh tế toàn diện RCEP và các sáng kiến khác không xung đột với nhau mà mang tính bổ trợ cho nhau để mở đường cho việc thiết lập khu vực thương mại tự do cho toàn châu Á - TBD”.

Ông David Dodwell, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC cho biết: “Tôi cảm thấy được khích lệ bởi tiến trình phát triển của APEC và quá trình hợp tác ở mức độ cao trong khu vực. Sự khích lệ đó đến từ khả năng chuẩn bị để thay đổi những quy định của mỗi nước để hài hòa với những tiêu chuẩn chung về hải quan điện tử, thuế quan… Những thành tựu các nước đạt được thông qua thỏa thuận trung gian càng lớn thì kết quả đạt được vào năm 2020 càng lớn”.

Hội nghị hôm nay đánh dấu dịp kỷ niệm 15 năm Việt Nam trở thành thành viên của APEC. Tại hội nghị, các nhà hoạch định chính sách cũng như các học giả hàng đầu trong khu vực đã đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam thời gian qua.

Ông Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC nhấn mạnh: “Việt Nam đã là một thành viên của APEC trong 15 năm qua và đã đóng góp rất tích cực trong suốt quá trình này. Phần lớn các nội dung hợp tác của APEC được thực hiện thông qua các nhóm công tác kỹ thuật và Việt Nam đã tham gia trong 4 nhóm công tác một cách hiệu quả. Chúng tôi rất ấn tượng về sự tham gia của Việt Nam trong 15 năm qua”.

Ông Nagesh Kumar, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ủy ban Kinh tế - Xã hội LHQ khu vực châu Á - Thái Bình Dương khẳng định: “Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của kinh tế khu vực. Việt Nam là một nền kinh tế quan trọng, đang phát triển năng động và khá tốt, đã đạt được một số thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội. Những thành tích của Việt Nam trong việc đạt mục tiêu thiên niên kỉ rất ấn tượng. Việt Nam đã trở thành một hình mẫu truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác”.

Những đóng góp của Việt Nam sẽ tiếp tục được thể hiện qua sự tham gia tích cực và chủ động vào các hoạt động của APEC, trong đó một sự kiện đặc biệt sắp tới là việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 vào năm 2017. Đây được coi là một cơ hội để nước chủ nhà đề ra chương trình nghị sự cho diễn đàn APEC suốt trong năm.

Khu vực châu Á - TBD đang chứng kiến những chuyển động mạnh mẽ cho thấy xu thế liên kết và hợp tác là không thể đảo ngược. Việc xác định vị trí của APEC trên bàn cờ đan xen nhiều lợi ích của các nước trong khu vực sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát huy vai trò của APEC trong thế kỷ 21.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước