Bài toán phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường: Được và mất?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 20/10/2018 14:35 GMT+7

VTV.vn - Câu chuyện bài toán phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là chủ đề của chương trình Sự kiện và Bình luận tuần này.

Thời gian qua, UBND Tiền Giang đã chấm dứt và thu hồi nhà máy giấy Đại Dương với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD. Trong khi đó, UBND Long An cũng từ chối 2 dự án nhiệt điện. Cả hai địa phương đều lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ hai dự án triệu đô này. 

Sau nhiều bài học đắt giá liên quan tới tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển kinh tế, các địa phương đang cân nhắc kỹ hơn bài toán phát triển bền vững. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, điều này có khiến các địa phương mất đi nhiều nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai? Phải cân đối thế nào giữa bài toán phát triển kinh tế và môi trường? Những câu hỏi này sẽ được bàn luận trong chương trình Sự kiện và Bình luận, với sự tham gia của các khách mời là ông Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân và PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội Kinh tế và môi trường Việt Nam.

Đánh giá về quyết định của một số địa phương trong cấp phép dự án đầu tư, ông Hoàng Văn Cường cho rằng động thái này đã chứng minh tuyên bố "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng" không chỉ là khẩu hiệu mà đang trở thành hành động thiết thực.

"Từ thực tế có 2 điều ghi nhận. Thứ nhất là tuyên bố của Chính phủ rằng không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động, nhận thức trong dân chúng, tạo ra sức ép khiến chính quyền địa phương phải lắng nghe để biến thành hành động, đáp ứng được điều đó. Thứ hai là những chính sách trong thu hút đầu tư phải có quy chuẩn, cam kết để tạo ra sự ổn định, tin tưởng của nhà đầu tư, tránh tình trạng khi nhà đầu tư đã vào rồi, cấp phép rồi mà thu hồi. Điều đó sẽ tạo ra sự  hoang mang. Nó khiến nhiều nhà kinh tế, địa phương cảm thấy băn khoăn", ông Hoàng Văn Cường cho biết.

Có cùng quan điểm này, PGS.TS Trương Mạnh Tiến cũng nhận định thêm rằng, việc các địa phương đưa ra quyết định thu hồi giấy phép hay từ chối nhà đầu tư cũng có thể coi như một lời cảnh báo với nhà nhà đầu tư tiềm năng, khi những nhà đầu tư không thể đảm bảo được yếu tố môi trường, kỹ thuật...

"Chúng ta mất không đáng gì so với nền kinh tế và việc yên lòng dân, cũng như đảm bảo môi trường sống ở địa phương mình", PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhận định.

Theo ông Hoàng Văn Cường, việc xem xét các dự án đầu tư cần thận trọng. "Ở đây, phải đánh giá rất rõ giữa chi phí và lợi ích. Đó là điều cần thận trọng. Nhưng thận trọng quá trở thành lo sợ, e ngại mà không có căn cứ. Nếu cứ lo sợ ô nhiễm mà không đầu tư thì chúng ta sẽ từ chối tất cả hoạt động sản xuất. Không có hoạt động sản xuất nào mà không gây ô nhiễm, chỉ có điều nhiều hay ít và vấn đề là hậu quả của nó có biện pháp xử lý hay không. Tôi cho rằng chúng ta cần thận trọng mà không nên e ngại không có căn cứ", ông Hoàng Văn Cường nói thêm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước