Theo TS Trần Đình Thiên, trên thực tế, kinh tế tư nhân đang xuất hiện trong lực lượng kinh tế như một thành phần ngày càng quan trọng (Ảnh: Báo Tin tức)
Khoảng 500.000 doanh nghiệp Việt Nam hiện đang tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm. Nhìn nhận vai trò của khối doanh nghiệp này trong bối cảnh hội nhập của đất nước sẽ thấy sự thay đổi đáng kể tại Dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ XII. Lần đầu tiên kinh tế tư nhân đã được nhắc đến là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đó cũng là một phần quan trọng trong đổi mới thể chế kinh tế của đất nước, trong quan điểm phát triển kinh tế của Việt Nam.
TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết: “Trước thời kỳ cải cách, Việt Nam chỉ thừa nhận thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa với hai hình thức là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Kinh tế tư nhân hầu như không tồn tại. Như vậy, chúng ta cũng bỏ phí một nguồn lực rất lớn, có thể là nguồn lực cơ bản của phát triển xã hội. Do đó, nền kinh tế phát triển chậm, không hiệu quả.
Đến Đại hội Đảng lần thứ VI, chúng ta đưa ra khái niệm nhiều thành phần, thực chất là thừa nhận thành phần kinh tế tư nhân, đưa thành phần kinh tế tư nhân thành một lực lượng quan trọng trong phát triển đất nước. Luận đề đi kèm với nó là khuyến khích sự phát triển của kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế tư nhân. Chúng ta đã phá vỡ được rào cản trong tư tưởng, quan điểm phát triển (tức là quan điểm loại trừ kinh tế tư nhân ra khởi sơ đồ phát triển). Đó là một bước tiến quan trọng".
Theo TS Trần Đình Thiên, trên thực tế, kinh tế tư nhân đang xuất hiện trong lực lượng kinh tế như một thành phần ngày càng quan trọng. Mặc dù vị thế thực tế của kinh tế tư nhân vẫn còn có sự phân biệt đối xử, không được bình đẳng với thế bị chèn lấn bởi kinh tế độc quyền nhà nước, song dù nói gì đi nữa, sự thay đổi quan điểm trên vẫn được xem là một bước tiến quan trọng, bởi nó khẳng định Việt Nam đã chuyển hướng lập trường phát triển. Quan điểm này tới nay không đảo ngược lại.
Kinh tế Việt Nam: Từ nền kinh tế chợ quê ra kinh tế mặt phố và mon men kinh tế của siêu thị
Đẩy mạnh kinh tế tư nhân sẽ thu hẹp kinh tế nhà nước? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm và nghiên cứu. Trả lời câu hỏi này, ông Trần Đình Thiên khẳng định việc sử dụng khái niệm thu hẹp là không thích hợp, bởi lẽ mỗi lực lượng kinh tế sẽ có vai trò, chức năng riêng. Theo nghĩa đó, mỗi lực lượng kinh tế đều quan trọng theo chức năng của mình, không có chuyện thành phần này chèn thành phần kia.
“Sự lớn lên của khu vực tư nhân hàm nghĩa chúng ta bổ sung vào nền kinh tế một nguồn lực quan trọng. Xưa nay, trong nền kinh tế chỉ có khu vực nhà nước nhưng hoạt động không hiệu quả, trong khi kinh tế tư nhân bị bỏ phí”, ông Trần Đình Thiên nói.
TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đưa ra quan điểm cho rằng một nền kinh tế không thể phát triển nếu kinh tế tư nhân không phải là đầu tàu. Trong khi đó, văn kiện Đại hội Đảng cũng đưa ra luận điểm kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Trước những quan điểm này, TS. Trần Đình Thiên nhận định, kinh tế tư nhân phải là nền tảng giúp nền kinh tế thị trường vận hành, còn đầu tàu là các tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh.
“Ở đây, khái niệm đầu tàu được xác định là đối tượng trụ cột gồm các tập đoàn hùng mạnh, còn nền tảng là toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân. Nói như vậy mới đúng với nền kinh tế thị trường và không hàm ý một sự phân biệt đối xử nào. Bởi lẽ, theo nguyên lý tối cao của nền kinh tế thị trường là cạnh tranh tự do bình đẳng, khi không có bình đẳng và chỉ có độc quyền thì sẽ vỡ trận".
Đánh giá môi trường cạnh tranh giữa hai khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước, TS.Trần Đình Thiên phân tích: "Trong 5 năm qua, nền kinh tế Việt Nam ở trong giai đoạn rất khó khăn. Trong đó, đối tượng phải gánh chịu khó khăn nhất là các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ chống đỡ để tồn tại nhiều hơn là cạnh tranh để vươn lên",
"Điều này cũng phản ánh thực tế của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta lập ra những doanh nghiệp nhỏ li ti, làm cho định hướng của các doanh nghiệp Việt Nam nhiều khi chỉ là kiếm sống chứ không phải làm giàu. Sự sai lệch động cơ này cũng là một câu chuyện có lẽ tới đây phải có cách giải quyết, nếu không lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh một cách bình thường".
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, TS.Trần Đình Thiên cho rằng muốn nền kinh tế phát triển thì doanh nghiệp với tư cách là một thể chế phải được thiết kế lạị. "Ở đây nói đúng hơn là phải tái khởi động khởi nghiệp. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp phát triển theo kiểu kiếm ăn chộp giật thì thể chế doanh nghiệp đó không đúng với thị trường, Nhà nước cũng khó để điều chính sách phù hợp", ông Nguyễn Đình Thiên nói.
Cải cách thể chế là sống còn trước hội nhập
Cải cách thể chế đã được tiến hành từ những năm đầu của Đổi mới. Đó là quá trình tự do hóa nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường diễn ra trong mọi lĩnh vực, từ cải cách doanh nghiệp nhà nước tới phát triển kinh tế tư nhân, mở ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành phần. Ở thời điểm Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, với những hiệp định đã và sẽ được kí kết thì đổi mới thể chế lại càng cần được chú ý.
Thực tiễn cho thấy một sự thật khá cay đắng là càng ưu ái doanh nghiệp theo kiểu cũ thì doanh nghiệp càng yếu, khả năng cạnh tranh càng dở. Do đó, TS.Trần Đình Thiên cho rằng, với mỗi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được đưa ra đều cần làm theo nguyên lý tối cao là đảm bảo một môi trường cạnh tranh bình đẳng, thể chế thông thoáng, hỗ trợ và không có phân biệt đối xử.
Doanh nghiệp là lực lượng chủ công trong phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước đã nỗ lực không ngừng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng phát triển. Tiếp tục coi trọng vai trò của khối kinh tế tư nhân như trong Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra cũng có nghĩa là tạo thêm động lực để khu vực kinh tế này tiếp tục phát triển. Với sự đổi mới về thể chế kinh tế, số lượng doanh nghiệp tư nhân trong cả nước sẽ không dừng ở con số trên 500.000 như hiện nay. Việc hoàn thiện thể chế để thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân phát triển trở thành động lực của nền kinh tế đang là mong mỏi không chỉ của doanh nghiệp mà còn của người dân trước sự phát triển và hưng thịnh của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!