Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông: "Trong cái rủi có cái may"

Sự kiện & Bình luận-Thứ bảy, ngày 10/01/2015 15:48 GMT+7

Các khách mời trao đổi trong chương trình Sự kiện & Bình luận

Ngoài những thiệt hại đáng tiếc tại Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, một điều may là từ đây, sự yếu kém và vô trách nhiệm của nhà thầu EPC đã bộc lộ trước khi quá muộn.

Trong cuộc họp với Tổng thầu Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông - Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (EPC) vào chiều thứ 2 vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định Tổng thầu EPC Trung Quốc thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm; đơn vị tư vấn giám sát cũng kém cỏi, vô cảm với tính mạng của người dân, đặc biệt sau khi đơn vị Tổng thầu EPC không thực hiện những văn bản nhắc nhở về quy trình, quy phạm trong thi công công trình do Bộ Giao thông Vận tải ban hàng sau sự cố hồi tháng 1/2014.

Đề cập tới chủ đề nóng này, chương trình Sự kiện & Bình luận (10/1) đã bàn về câu chuyện năng lực của nhà thầu với sự tham gia của hai vị khách mời: ông Lê Văn Tăng - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Triệu Khắc Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông Vận tải.

Hồi đáp những vấn đề được phía Việt Nam đưa ra, tổng thầu EPC đã thực hiện một số biện pháp: thay Giám đốc điều hành, thành lập tổ giám sát đặc biệt tiến hành rà soát công trường và hồ sơ dự án, gửi báo cáo tới Ban Quản lý đường sắt.

Có thể thấy, trong trường hợp Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, điều rủi là đã làm chết, bị thương và hỏng tài sản của những người dân vô tội. Nhưng điều may là những vụ việc đáng tiếc này đã cho thấy một Tổng thầu vô trách nhiệm, đi cùng là các nhà thầu phụ yếu kém và tư vấn giám sát vô cảm.

Ông Lê Văn Tăng - Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ông Lê Văn Tăng tại chương trình Sự kiện & Bình luận

Có thể thấy, lựa chọn được nhà thầu đủ kinh nghiệm, năng lực là yếu tố sống còn bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình. Nhưng thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã xử lý hàng loạt các nhà thầu yếu kém, đồng thời thay thế những nhà thầu không đủ năng lực. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng đây chỉ là phần "ngọn" và sẽ tiếp tục có nhiều nhà thầu khác bị xử lý nếu không giải quyết vấn đề "gốc" trong việc lựa chọn nhà thầu.

Theo ông Lê Văn Tăng - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, Luật đấu thầu sẽ đưa ra nhiều biện pháp kiên quyết trong việc lựa chọn nhà thầu dự án.

"Hiện nay, một số Bộ ngành đã tiến hành công khai năng lực nhà thầu, trong đó Bộ giao thông Vận tải là đơn vị tiên phong" - ông Lê Văn Tăng chia sẻ - "Để lựa chọn được nhà thầu tốt, ngoài chuyện có kinh nghiệm và năng lực, trong Luật đấu thầu mới còn có thêm yếu tố uy tín nhà thầu. Như vậy, nhà thầu có tốt sẽ càng ngày càng có lợi thế và nhà thầu kém thì càng ngày càng mất lợi thế. Đây là những biện pháp kiên quyết được quy định trong luật".

Riêng với trường hợp Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, ông Lê Văn Tăng cũng khẳng định trong các văn bản Luật cũng đề cập tới biện pháp xử lý đối với dự án này: "Trong Nghị định 63 về hướng dẫn luật đấu thầu, tại điều 117 đã quy định rất rõ, không chỉ ở gói thầu của EPC mà còn trong bất kỳ gói thầu nào, nếu trong quá trình thực hiện thi công, nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn thì chủ đầu tư có quyền yêu cầu đối với đơn vị đầu tư chấm dứt hợp đồng".

Để tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Sự kiện & Bình luận (10/1) qua video dưới đây:

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online VTV1!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước