Nông dân trồng mía: Bao giờ hết lo?

Sự kiện & Bình luận (VTV)-Thứ bảy, ngày 06/12/2014 17:11 GMT+7

Chương trình Sự kiện & Bình luận tuần này sẽ cùng hai khách mời: ông Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác, Bộ NN&PTNT (trái) và ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Lam Sơn (giữa)

Cây mía quá ế, giá mía giảm mạnh và phải cạnh tranh với bên ngoài đã khiến người nông dân trồng mía Việt Nam đối mặt với nhiều nỗi lo.

Chương trình Sự kiện & Bình luận tuần này đã cùng hai khách mời: ông Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác, Bộ NN&PTNT và ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Lam Sơn bàn về chủ đề “Nông dân và nỗi lo cây mía”.

Trái ngược với tình trạng tranh mua của các thương lái trong nhiều vụ trước, năm nay cây mía lại quá ế và giá mía đã giảm đến mức gần như không thể thấp hơn 400-450 VND/kg. Với mức giá này, người dân trồng mía ở nhiều địa phương đã phải chấp nhận đốt bỏ ruộng mía để đi tìm một kế sinh nhai khác.

Lý giải về nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này, ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Lam Sơn đã đưa ra ba nguyên nhân cơ bản. Một là sự thiếu trách nhiệm từ phía nhà máy sản xuất; hai là sự thiếu quan tâm của các cơ quan chức năng địa phương và ba là sự gia tăng của các loại đường nhập lậu.

Đồng quan điểm này, ông Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác, Bộ NN&PTNT cho biết thêm: “Trong kinh doanh sẽ có lúc lỗ, lúc lãi, trong khi luật chơi trên thị trường lại càng ngày càng xấu đi. Theo tôi, để ngành mía đường vượt qua được hiện trạng lúc này thì câu chuyện liên kết là trách nhiệm giữa các bên”.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Đức Thịnh, việc người nông dân đốt bỏ ruộng mía dày công chăm sóc cả năm và thay thế bằng các hình thức cây trồng, chăn nuôi khác, cho thấy họ đang phải loay hoay để tìm con đường sinh nhai cho chính mình.

Đã hơn 20 năm kể từ thời điểm bắt đầu thực hiện chiến lược mía đường, Chính phủ đã giải quyết được hai vấn đề lớn. Một là chính sách tài chính, nguồn vốn hỗ trợ. Hai là cổ phần hóa doanh nghiệp mía đường. Nhờ hai chính sách đó, ngành mía đường đã dần phát triển, thậm chí nhiều địa phương còn trở nên giàu nhờ mía đường như Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa… Song, có lẽ đã đến lúc, các nhà quản lý ngành mía đường cần phải thay đổi thêm một điều quan trọng đó là tư duy bao cấp.

Thực tế cho thấy, ngành đường Việt Nam không chỉ cần giải quyết nhiều khó khăn nội tại mà còn phải đối mặt với những thách thức khách quan, trong đó có khoảng 400 000 tấn đường nhập khẩu lậu vào Việt Nam mỗi năm.

Ngoài ra, kể từ ngày 1/1/2015, ngành đường sẽ còn đối mặt với khó khăn lớn hơn khi thuế nhập khẩu đường vào Việt Nam sẽ được cắt giảm thành 0% theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định hàng hóa ASEAN. Điều đó đồng nghĩa với việc đường nhập khẩu chính ngạch sẽ đổ về Việt Nam. Đó cũng là bài toán đối với những nhà quản lý mía đường trong thời gian sắp tới.

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:

 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước