Chương trình Sự kiện & Bình luận với sự tham gia của TS. Vũ Đình Ánh
Tuần qua, kỳ họp của Hội đồng nhân dân của hàng loạt địa phương đã kết thúc, dư luận và truyền thông dường như theo thói quen tập trung cả vào 2 khúc cao trào. Một là chất vấn, hai là bỏ phiếu tín nhiệm, còn khúc biến tấu về thu chi ngân sách của các địa phương gần như không được chú ý, trong khi bội chi ngân sách cấp quốc gia luôn là vấn đề nóng bỏng trong mỗi kỳ họp quốc hội. Mất cân đối thu chi ngân sách tại các địa phương lại được coi là việc tất yếu tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Việc thu chi ngân sách của nhiều địa phương đã thành công tốt đẹp với mức chi gấp rưỡi thậm chí gấp hai lần mức thu. Nói là thành công tốt đẹp vì nghị quyết của hội đồng là như thế. Và có vẻ như các vị đại biểu của Hội đồng nhân dân ở tỉnh nào cũng đều thấm nhuần một lẽ ứng xử với thu ngân sách, đó là "thu in ít đi một tí để nuôi dưỡng nguồn thu và chi nhiều nhiều lên một tí để dân được nhờ". Ai cũng hiểu là các bộ ngành của Trung ương khó mà gây sức ép được với các vị lãnh đạo địa phương có số phiếu tín nhiệm cao.
Với những điều trên, kỷ luật ngân sách đã trở thành vấn đề chính được mang ra bình luận tại chương trình Sự kiện & Bình luận ngày 13/12 với khách mời bình luận - TS. Vũ Đình Ánh.
Trước câu hỏi về sự chênh lệch thu chi đáng lo ngại mà tỉnh Nghệ An được nêu ra làm ví dụ, TS. Vũ Đình Ánh cho biết: "Tôi cho rằng vấn đề chênh lệch thu chi của tỉnh Nghệ An, khi con số chi gấp 2 lần con số thu, đấy là con số đáng lo ngại. Tuy nhiên, đây không phải con số quá mới hay quá bất ngờ vì đây là tình trạng khá phổ biến ở Việt Nam. Như chúng ta cũng biết trong số 63 tỉnh thành thì có tới hơn 40 tỉnh thành nằm trong trường hợp như Nghệ An".
TS. Vũ Đình Ánh - Khách mời của chương trình Sự kiện & Bình luận tuần này
Không mới, không lạ nhưng đáng lo lắng. Vậy lo lắng ở điểm gì khi nó mất cân đối khá nghiêm trọng như vậy?
"Việc thu chi của ngân sách địa phương đóng vai trò rất quan trọng không chỉ với địa phương đó mà còn với ngân sách nhà nước của quốc gia" - TS.Vũ Đình Ánh trả lời - "Như chúng ta biết, Việt Nam có một ngân sách nhà nước thống nhất. Tình trạng đại đa số các tỉnh thành, các địa phương nằm trong trạng thái mất cân đối thu chi như vậy thì thứ nhất, nó làm ảnh hưởng đến tính lành mạnh của ngân sách quốc gia. Ngân sách nhà nước hiện nay luôn bị thâm hụt ở mức trên dưới 5% GDP. Đây là mức đáng lo ngại".
"Vấn đề đáng lo ngại thứ 2 là nó hạn chế tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính chủ động của địa phương trong đó có quyền quyết định của Hội đồng nhân dân" - TS. Vũ Đình Ánh nói tiếp - "Khi nhu cầu chi so với thu có khoảng chênh lệch quá lớn như vậy thì khoảng chênh lệch giữa thu và chi đó lại phụ thuộc vào sự bổ sung, cân đối của ngân sách Trung ương. Do đó, hàng loạt những khoản chi, trong đó có những khoản chi rất lớn thì địa phương rất khó bố trí, từ đó dẫn tới ảnh hưởng đến phát triển của địa phương".
"Vấn đề thứ 3 không kém phần quan trọng liên quan đến sự chủ động của địa phương đó là nó phát sinh ra một thứ chúng ta đang muốn bỏ đó là cơ chế xin cho cũng như sự đầu tư dàn chải, thiếu hiệu quả do không chủ động được nguồn thu của mình để giải quyết các vấn đề nhiệm vụ chi".
Để biết rõ hơn về nội dung cuộc toạ đàm của TS.Vũ Đình Ánh tại Sự kiện & Bình luận sáng nay cũng như những vấn đề đáng lo ngại của sự chênh lệch thu - chi, kỷ luật ngân sách... bạn hãy tiếp tục xem trong video dưới đây.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.