Ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí do bụi và khí thải, ô nhiễm đất do chất thải và hóa chất dư thừa mà chưa có cơ chế xử lý chặt chẽ đang trở thành nguy cơ biến những thành quả, nỗ lực xóa đói giảm nghèo ở nông thôn trở thành vô nghĩa. Nhiều làng quê đang phải đối mặt với tình trạng bệnh tật hoành hành và suy thoái giống nòi.
Cách đây vài ngày, Báo cáo môi trường quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố đã cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn đang ở mức báo động và quan trọng nhất là vẫn chưa có một cơ chế quản lý rõ ràng.
Vấn đề này chính là chủ đề trong cuộc trao đổi tại chương trình Sự kiện & Bình luận sáng 27/6 với 2 khách mời là TS. Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường và ông Đặng Quang Tạo - Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Năm nay, Báo cáo môi trường quốc gia được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy chủ đề là môi trường nông thôn. Lý giải nguyên nhân chọn lựa chủ đề này, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết: "Nhận thấy môi trường nông thôn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đồng thời, qua quá trình thực hiện chương trình Nông thôn mới, việc hoàn thiện tiêu chí 17 về môi trường còn gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy, Bộ tài nguyên và Môi trường đã quyết định chủ đề về môi trường nông thôn cần được bàn kỹ và bàn sâu".
TS. Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, trong các loại ô nhiễm, ô nhiễm nước đang là vấn đề báo động ở nông thôn bởi đó là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm cho người dân.
Cách đây 3 năm, Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố danh sách 37 làng ung thư trên toàn quốc. Đây là kết quả của cuộc điều tra khảo sát 22 tỉnh, thành trong cả nước từ năm 2011 - 2012. Điểm chung ở 37 ngôi làng này là nguồn nước người dân đang sử dụng đều bị ô nhiễm.
Đầu năm 2015, Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước đã tiếp tục công bố danh sách 10 ngôi làng có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhất trong số các các làng ung thư trên toàn quốc. Qua đó, danh sách này cũng chỉ ra tỷ lệ bệnh tật gia tăng có tỷ lệ thuận với ô nhiễm nguồn nước. Điều này cũng dễ dàng lý giải vì người dân đang phải uống nước từ những nguồn bị ô nhiễm. Đó là nguy cơ tiềm tàng gây ra nhiều loại bệnh tật.
Ông Đặng Quang Tạo - Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang
Đưa ra con số 30% người dân ở vùng nông thôn đang được sử dụng nước sạch qua xử lý tập trung, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng tỷ lệ này hoàn toàn có thể thay đổi trong thời gian tới thông qua các biện pháp hợp lý và tùy thuộc vào từng vùng miền.
“Hiện nay, với tiến bộ khoa học công nghệ, nhiều nơi có thể cung cấp nước sạch cho bà con nông dân" - TS Hoàng Dương Tùng nói - "Giải quyết vấn đề nguồn nước cần phải vừa là cơ chế của Nhà nước, vừa nâng cao nhận thức của người dân. Người dân cần có ý thức tiết kiệm trong việc sử dụng nước, sử dụng giếng khoan cẩn thận. Nếu không chính chúng ta cũng sẽ tạo nguy cơ gây ô nhiêm nguồn nước ngầm...”.
Bên cạnh đó, TS Hoàng Dương Tùng cũng khuyến nghị cần có một "nhạc trưởng" để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn.
“Một trong những vấn đề được đề cập trong Báo cáo hiện trạng môi trường nông thôn năm 2014 là chúng ta chưa có một cơ chế rõ ràng. Quá nhiều cơ quan công phụ trách một vấn đề nên cuối cùng, trách nhiệm thuộc về ai chưa rõ ràng" - TS. Hoàng Dương Tùng nói thêm - "Vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị cần có một "nhạc trưởng" chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Nếu không tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài. Ngoài ra, người dân cũng cần có ý thức trong vấn đề bảo vệ môi trường chung".
Để tìm hiểu thêm về hiện trạng ô nhiễm nguồn nước ở nông thôn hiện nay, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Sự kiện & Bình luận qua video dưới đây: