Kinh doanh khó khăn, nợ đọng thuế tăng cao

Thanh Nga-Thứ ba, ngày 01/10/2013 16:00 GMT+7

 Với thủ tục vay vốn ngân hàng rất khó khăn, nhiều DN không có tài sản thế chấp đã chấp nhận phương án dùng tiền thuế để làm vốn kinh doanh, hoặc trả ngân hàng và chấp nhận chịu phạt.

Con số nợ của Quảng Ngãi hiện là 1,32% cho thấy tỷ lệ nợ đọng không cao và Quảng Ngãi thuộc một trong những tỉnh thành có tỷ lệ nợ đọng thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, nợ đọng kéo dài trong doanh nghiệp vẫn tiếp diễn.

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay tỷ lệ nợ đọng thuế có khả năng thu chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số thuế với 77%, số thuế không có khả năng thu chiếm tỷ lệ 22% trên tổng nợ, còn lại là nợ chờ xử lý và điều chỉnh, trong đó nợ có khả năng thu thông thường là các khoản nợ quá 90 ngày và dưới 90 ngày. Phần lớn số nợ này rơi vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực ngoài quốc doanh khoảng 70%. 30% còn lại là nợ của các thành phần kinh tế khác.

Ông Hồ Quang Vịnh, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi phân tích: “Tuy tỷ lệ nhỏ nhưng nếu để kéo dài nhiều năm thì đương nhiên nguồn vốn này còn chiếm dụng ở người nộp thuế. Thứ hai là nếu làm không tốt việc này sẽ tạo ra sự không bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế”.

‘ Ảnh minh họa

Trong quá trình thực hiện chính sách thuế thì ở mọi thời điểm, mọi quốc gia, vấn đề nợ đọng thuế là chuyện hết sức bình thường, tuy nhiên sẽ là không bình thường nếu như đơn vị nộp thuế tìm mọi kẽ hở của pháp luật nhằm trì hoãn nghĩa vụ thuế của mình. Theo quy định của Luật Quản lý thuế, khi trễ nghĩa vụ đóng thuế, người nộp thuế sẽ bị phạt tiền chậm nộp thuế với lãi suất 0,05% ngày đối với loại thuế nợ dưới 90 ngày và 0,07% ngày đối với nợ thuế trên 90 ngày cho tổng số tiền nợ thuế.

Trước đây, khi kinh tế ổn định, lãi vay thương mại thấp, tỉ lệ phạt này là tương đối cao và có tính răn đe khá tích cực. Tuy nhiên, khi lãi suất ngân hàng biến động tăng cao và trong bối cảnh doanh nghiệp làm ăn khó khăn thì chế tài trên không còn phát huy hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ đọng thuế tăng cao.

Ông Lê Minh Trung, Phó Chi cục trưởng Cục thuế huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi cho biết: “Với thủ tục vay vốn ngân hàng rất khó khăn hiện nay và doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, nhiều doanh nghiệp chấp nhận phương án dùng tiền thuế để làm vốn kinh doanh hoặc trả ngân hàng và chấp nhận chịu phạt. Cụ thể tại huyện Sơn Tịnh phát sinh thường xuyên có số thuế rất lớn, tuy nhiên là họ chấp nhận chịu phạt trước 90 ngày của cơ quan thuế, đến thời hạn cưỡng chế thì họ bắt đầu nộp tiền. Điều đó cho thấy chính sách thuế và ngân hàng còn nhiều bất cập”.

Con số 77% nợ đọng có khả năng thu từ Cục thuế Quảng Ngãi cho thấy phần lớn doanh nghiệp đều lợi dụng chính sách này. Khi tiền mặt khan hiếm, doanh nghiệp có thể dùng tiền nợ thuế để gửi tiết kiệm hoặc cho vay nóng, lãi suất họ thu về sẽ cao hơn mức nộp tiền chậm nộp thuế. Rõ ràng là ở đây có sự bất cập của chính sách thuế và chính sách lãi suất và cũng là kẽ hở để doanh nghiệp chây ỳ nộp thuế, làm cho số nợ đọng luôn có xu hướng ngày càng tăng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước