Từ mô hình quỹ chuyển đổi thành ngân hàng, bởi vậy, sẽ có nhiều thay đổi ở Ngân hàng Hợp tác xã, nhưng về cơ bản, Ngân hàng Hợp tác xã vẫn hoạt động chủ yếu dựa trên những cơ sở đã có của các Quỹ tín dụng nhân dân trước đây.
Ngân hàng này sẽ tập trung đáp ứng vốn cho khu vực nông thôn với nguyên tắc tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhằm khuyến khích tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tiết kiệm của các thành viên. Đối tượng của Ngân hàng Hợp tác xã chủ yếu là các hộ nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Mô hình này được cho là sẽ hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo.
Theo ông Lê Viết Đang, GĐ Quỹ tín dụng nhân dân Vũ Vinh, Thái Bình: “Đáng chú ý, tài sản kế thừa của Ngân hàng Hợp tác xã từ Quỹ tín dụng nhân dân là tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 0,72%, thấp nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay”.
Dù chưa đặt ra nhiều kỳ vọng lợi nhuận, nhưng với mô hình mới phải quy củ, chặt chẽ và mang tính quy mô hơn, đồng thời cũng phải đạt hiệu quả hơn trước. Đây vừa là áp lực, nhưng cũng là động lực để Ngân hàng Hợp tác xã hoạt động và phát triển trong thời gian tới.