Sớm mồ côi cha, anh trai lại đột ngột ra đi nhưng Yến Nhi rất thương mẹ và phụ giúp mẹ những việc nhỏ nhặt hằng ngày
Người phụ nữ dáng người gầy gò, đầy bất hạnh, không kìm được những giọt nước mắt đau đớn khi nhìn lên di ảnh của chồng và con trai trên bàn thờ khói hương đang nghi ngút, cứ gào khóc nức nở: “Anh ơi! Sao anh nỡ bỏ mặc mẹ con em mà đi! Con ơi! Con về với mẹ đi, ở dưới sông làm gì cho lạnh lẽo hả con. Yến Nhi ơi! Mẹ biết phải làm sao để cứu lấy con đây?!”.
Tai họa bắt đàu ập đến gia đình nghèo khi vào đầu năm 2011, anh Mai Văn Lương (SN 1979, chồng chị Thúy) phát hiện mình bị u não giai đoạn cuối. Hai vợ chồng như điêu đứng, nhưng không còn cách nào khác, người vợ trẻ phải làm việc quần quật suốt ngày đêm để kiếm tiền chạy chữa thuốc men cho chồng và nuôi hai đứa trẻ đang ở độ tuổi ăn học. Chạy chữa suốt gần 2 năm trời tại Bệnh viện Trung ương Huế nhưng người chồng cũng không qua khỏi và ra đi mãi mãi để lại người vợ trẻ và hai đứa con nheo nhóc cùng với số nợ hơn 200 triệu đồng.
Chồng mất chưa được bao lâu thì giữa năm 2014, chị Thúy lại thêm một lần điêu đứng khi phát hiện đứa con gái Mai Yến Nhi (SN 2008) đang mang trong mình căn bệnh máu trắng. Rồi cứ thế, cứ “dăm bữa nữa tháng” hai mẹ con lại dắt nhau bắt xe vào Bệnh viện Trung ương Huế để truyền máu nhằm duy trì sự sống cho con.
Nhưng rồi bị kịch cho một kiếp người bất hạnh lại thêm một lần nữa giáng xuống gia đình chị. Đó là vào tháng 8/2015, cháu Mai Văn Quang (SN 2003), trong một lần nhảy xuống sông cứu bạn bị đuối nước cũng đã bỏ mạng nơi dòng sông dữ. Lần này, chị Thúy người cứ thất thần và dường như không còn đủ sức để gượng dậy nữa. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh con gái đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh máu trắng, chị cũng đành cố nghiến răng, kìm nén nỗi đau, gắng đứng dậy, lam lũ kiếm tiền mua thuốc thang cho con.
Chị Thúy nói trong nghẹn ngào: “Thương con lắm chú ạ! Tôi mới xin cho cháu nghỉ học cả tuần để đi bệnh viện truyền máu. Nhìn vậy đó nhưng ít ngày nữa thôi, người cháu lại bắt đầu tái nhợt, tím ngắt lên không còn nhận ra nữa. Nhiều lúc không vay mượn kịp tiền để đưa con đi viện đúng hẹn, nhìn con đau đớn, vật vã, da xanh tái và không còn chút sức lực nào khiến tôi bất lực chỉ muốn chết cho xong”.
Mỗi tháng cứ đều đặn 3 – 4 lần, chị Thúy phải chạy vạy tiền nong khắp nơi để đưa con vào bệnh viện truyền máu và lấy thuốc về uống. Số nợ cũ chưa trả xong thì số nợ mới cứ tăng lên gấp bội sau mỗi lần đưa con đi viện.
Theo chị Thúy, cách duy nhất để cứu sự sống cho Yến Nhi lúc này là ghép tế bào gốc hoặc thay tủy. Tuy nhiên, theo các bác sĩ cho biết, chi phí để phẫu thuật rất cao từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, nhưng giờ đây trong căn nhà nhỏ chẳng còn vật dụng gì đáng giá tiền triệu. “Sự sống của cháu Yến Nhi không phải là hết cách cứu chữa, nhưng tôi biết vay đâu ra số tiền lớn như thế để cho Yến Nhi phẫu thuật đây chú! Xin chú có cách gì cứu lấy cháu nó với, chứ nhìn cháu nó đau đớn từng ngày tôi đau như xé ruột gan”, chị Thuý lực bất tòng tâm.
Mặc dù đang mang trong mình căn bệnh ung thư máu quái ác, nhiều lúc phải nghỉ học cả tuần để đi bệnh viện chữa trị, thế nhưng Yến Nhi vẫn rất chăm học và học rất giỏi. Nhìn đứa trẻ hiền hậu và có đôi mắt tựa thiên thần ấy đang chăm chỉ học bài, tôi liền hỏi: “Ứớc mơ sau này của cháu là gì?”. Tôi vừa dứt lời, Yến Nhi đã nhanh nhãu đáp: “Cháu sẽ cố gắng học thật giỏi, sau này trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho những người nghèo giống như cháu ạ!”.
Nói rồi, nhìn nét mặt và đôi mắt Yến Nhi như chùng xuống, cháu bé nói thỏ thẻ với tôi: “Chú ơi! Cháu không muốn đi bệnh viện nữa đâu, cháu muốn đi học với các bạn!”. Tôi bước chân rời căn nhà bé nhỏ của mẹ con chị Thúy ra về nhưng trong lòng luôn cầu chúc một phép màu sẽ đến với mẹ con chị để Yến Nhi được đi phẫu thuật, được cứu sống và được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.