KTS Phạm Đình Quý - Người gieo những giấc mơ cho trẻ em nghèo vùng cao

Thảo Vi-Thứ ba, ngày 15/01/2019 21:35 GMT+7

VTV.vn - Cùng tình thương với núi non, với đồng bào và đặc biệt là những em nhỏ vùng cao, anh Phạm Đình Úy đã xây dựng 105 điểm trường vững chắc trong suốt 5 năm qua.

Trải qua quãng đường dài 365.000 km, tương đương 9 vòng Trái đất, anh Phạm Đình Quý – kỹ sư xây dựng (47 tuổi, Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội) cùng bạn bè, các nhà hảo tâm đã xây dựng 105 ngôi trường cho trẻ em miền núi suốt 5 năm qua, dù ban đầu mục tiêu anh đặt ra chỉ là 100. Anh là người có tài ảo thuật biến những lớp học tạm bợ, những bức tường bằng tranh tre dột nát thành những ngôi trường mới kiên cố và vững chắc

Tình thương anh gửi trao cho núi non, cho dân bản và đặc biệt là những đứa trẻ nguyên sơ nguyên thủy - niềm động lực tiên quyết thôi thúc anh lên đường. Câu chuyện vượt non xây trường của anh đã mang đến một giá trị nhân văn vô cùng lớn và trở thành một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng nhất trong "WeChoice Awards 2018".

KTS Phạm Đình Quý - Người gieo những giấc mơ cho trẻ em nghèo vùng cao - Ảnh 1.

Anh Phạm Đình Quý với câu chuyện giàu tình thương của mình đã trở thành một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng nhất trong "WeChoice Awards 2018".

KTS Phạm Đình Quý từng là giám đốc một công ty xây dựng. Sau khi công ty phá sản, anh cũng bỏ việc. Rảnh, anh tham gia hoạt động từ thiện, "chém gió phần phật" trên các diễn đàn với nick "Bừa", từng rất lừng lẫy trên Webtretho.

Năm 2012, trong một chuyến chở đồ từ thiện cho các em học sinh trường Trung Lý (bản Táo, xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa) lần đầu anh Phạm Đình Quý và bạn bè được chứng kiến công cuộc "tìm chữ" của con em dân tộc cỡ nào khó khăn. Các em học sinh hầu hết đều là người dân tộc thiểu số Mông, Thái, Mường, Dao, nhà nghèo lại ở rất xa trường, có em ở xa nhất tới 45km đường núi nên hầu hết đều phải ở bán trú, cuối tuần mới về nhà.

KTS Phạm Đình Quý - Người gieo những giấc mơ cho trẻ em nghèo vùng cao - Ảnh 2.

Những lớp học tạm bợ đã được bàn tay phù thủy của anh Quý và những nhà hảo tâm biến hóa thành những điểm trường vững chắc.

Những lớp học, điểm trường chỉ được dựng bằng tre nứa tạm bợ, hè không chắn được gió Lào, đông không ngăn được sương muối. Thức ăn hàng ngày của các em chủ yếu là rau rừng nấu muối, thỉnh thoảng được cải thiện bằng thịt chuột tự săn. Chính những hình ảnh ấy đã thôi thúc và là sự khởi đầu cho hành trình xây trường vùng cao cho các em nhỏ của anh kiến trúc sư 47 tuổi.

Để xây một ngôi trường trên núi cao, khâu vất vả nhất là vận chuyển vật liệu và xây móng đổ nền. Bắt tay vào mới thấy xây nhà trên núi việc gì cũng khó. Dốc núi quanh co, gần như dựng đứng, xe chở tôn vào gần đến nơi thì gãy cầu. Rất may, bà con dân tộc và các thầy cô giáo nghe tin đội xây dựng gặp khó đã tự nguyện dùng sức mình để vận chuyển từng viên gạch, từng bao xi măng lên chỗ xây dựng.

KTS Phạm Đình Quý - Người gieo những giấc mơ cho trẻ em nghèo vùng cao - Ảnh 3.

Để xây một ngôi trường trên núi cao, khâu vất vả nhất là vận chuyển vật liệu và xây móng đổ nền.

Với hơn 100 điểm trường xây dựng, tương đương số tiền hàng chục tỉ tiền quyên góp của vô số mạnh thường quân, chưa có ai từng nghi ngờ người thợ cả Phạm Đình Quý. Một trong những lý do người ta tin tưởng giao tiền cho anh xây trường là vì anh luôn công khai mọi khoản chi phí. Với mỗi dự án, anh lại có một bảng tính kê khai mọi hạng mục chi tiết và công khai trên trang cá nhân của mình. Thậm chí đến 5 năm sau, nếu có ai hỏi, anh vẫn sẽ trả lời số tiền ấy được tiêu vào đâu, nhằm mục đích gì.

Nhiều khi nghĩ lại, anh Quý cảm thấy điều may mắn nhất trên hành trình này chính là sức khoẻ. Mỗi sáng cứ mở mắt ra chứng kiến công việc tốt đẹp, anh lại tiếp tục bước về phía trước. Nếu có một ngày bỗng lăn đùng ra ốm, có lẽ trước mắt thì chưa nhưng sau này chắc sẽ có, anh sẽ lấy nụ cười của lũ trẻ làm động lực để vượt qua tất cả.

KTS Phạm Đình Quý - Người gieo những giấc mơ cho trẻ em nghèo vùng cao - Ảnh 4.

Nụ cười của các em nhỏ vùng cao là động lực lớn nhất giúp anh Quý luôn vững bước trên hành trình của mình.

Chưa một lần đứng trên bục giảng nhưng những hành động tuyệt với của anh đã được đến đáp bằng tình yêu thương của biết bao học trò nghèo vùng cao và được các em trìu mến gọi hai tiếng "Thầy Quý". Nhưng có lẽ, điều đặc biệt nhất chính là tình thương và sự kính trọng mà bà con miền núi dành cho anh. Anh không chỉ xây trường mà còn xây nên cả một cách sống và tiếp nhận mới cho người dân nơi đây.

"Điều cội nguồn là phải đầu tư về giáo dục con người. Con người làm nên tất cả. Bạn có xây một con đường dù có đẹp đến mấy những tri thức của các em không có, nhận thức của người dân không có thì tất cả mọi thứ đều không có giá trị. Chính vì vậy, mình muốn lúc bé các cháu được học, được tiếp nhận tri thức của xã hội và từ đó phát triển đi lên", anh Quý chia sẻ về quan điểm của mình.

KTS Phạm Đình Quý - Người gieo những giấc mơ cho trẻ em nghèo vùng cao - Ảnh 5.

Không chỉ dừng lại ở những điểm trường vững chắc, anh Quý đã chắp cánh ước mơ cho hàng nghìn em nhỏ vùng cao và vẽ ra những tương lai tươi sáng hơn cho nhiều thế hệ sau.

5 năm xây 105 điểm trường cho trẻ em vùng cao và sẽ còn nhiều hơn thế trong tương lai bởi đơn giản, anh bước đi với động lực chẳng bao giờ tắt. Đó là tình thương anh trao gửi cho núi non, cho đồng bào vùng cao và đặc biệt là cho những đứa trẻ. Cứ thấy các cháu còn khổ là anh còn tiếp tục xây, tiếp tục cố gắng.

Mời quý vị đón xem các số tiếp theo của chương trình WeChoice Awards 2018 - Hành trình truyền cảm hứng vào 17h40 thứ Tư và Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV1.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước