Người phụ nữ bán cả đất để chăm nuôi trẻ khuyết tật…

Văn Quân-Thứ năm, ngày 12/09/2013 16:40 GMT+7

 Đã hơn 5 năm qua, hàng trăm những mảnh đời bất hạnh, trẻ khuyết tật không nơi nương tựa đã được chị nuôi dưỡng và cưu mang. Và ở địa phương chị sinh sống, ngoài tên chính, mọi người vẫn yêu quý mà gọi chị là “người đàn bà mang tâm Phật”. Chị là Đoàn Thị Hoa (thôn Thanh Oai, Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội).

Khi chúng tôi đến, chị Hoa đang mải mê hướng dẫn cho mấy cháu nhỏ tật nguyền cách làm những đồ thủ công đơn giản. Chị Hoa bảo đó là việc làm, dù nhỏ thôi, nhưng cũng giúp các em học cách lao động và quan trọng, xây dựng cho các em một niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào chính mình khi phải ở trong hoàn cảnh không may mắn như mọi người.

‘ Chị Đoàn Thị Hoa

Chị Hoa là người gốc Hữu Hòa và như lời chị thì chị “là một nông dân chính hiệu”. Thuở nhỏ gia đình nghèo khó, không được ăn học nhiều, rau cháo cùng cha mẹ già, đến tuổi trưởng thành, nối nghiệp nghề… đi cấy và chợ búa.

Tuy vậy, như lời chị, dù không được học hành nhiều nhưng ngay từ khi còn trẻ, trong các phong trào địa phương, chị đã thường xuyên tham gia trong các hoạt động từ thiện nhiệt tình. Tham gia các đoàn từ thiện trên địa phương đã hàng chục năm và cho đến năm 2007 thì chị Hoa có những suy nghĩ mới. “Trong một dịp được cùng Đoàn chữ thập đỏ Hà Nội đi làm từ thiện ở miền Trung, tôi đã suy nghĩ rằng, con cái cũng đã lớn, tại sao mình không tổ chức những hoạt động từ thiện ngay tại gia đình mình".

Nghĩ là làm. Ban đầu, chồng và con cái chị tưởng chị “có vấn đề” khi đang yên đang lành lại có ý định biến ngôi nhà mà gia đình mình đang sống thành… trung tâm nuôi trẻ khuyết tật. Nhưng rồi, những suy nghĩ và hành động của chị đã được chồng và các con ủng hộ. Không ngại ngần, chị bán đi đàn lợn cùng với mấy trăm con gà được 35 triệu đồng để hoàn thiện… cơ sở vật chất. Ban đầu là những trẻ khuyết tật trên địa bàn xã Hữu Hòa và một số xã lân cận.

“Lúc đầu tôi cũng chỉ định nuôi 5 đến 10 cháu quanh địa phương mình thôi, nhưng không ngờ, thời gian về sau, số lượng các cháu tìm đến trung tâm ngày càng lớn.” Như lời chị, từ các tỉnh như Bắc Cạn, Cao Bằng cho đến Thanh Hóa Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đã tìm đến trung tâm nuôi trẻ khuyết tật Quỳnh Hòa để gửi gắm cuộc đời. Số lượng người càng đông thì kinh phí càng bị thu hẹp, chị bàn với chồng, bán đi hơn 100m đất để tiếp tục đầu tư và nuôi dưỡng các cháu.

Thời điểm đó, đất đang có giá nên chị cũng có được số tiền kha khá để chủ động công việc. Hình dáng một trung tâm được chị xây dựng và hoàn thiện trên khu đất của gia đình. Có thời điểm trung tâm nuôi dưỡng đến gần 200 người khuyết tật đến từ nhiều vùng miền của đất nước. Người cao tuổi nhất vào trung tâm là 37 tuổi còn người nhỏ tuổi nhất là 10 tuổi, chị Hoa cho biết.

“Tôi nhớ mãi em Nguyễn Mạnh Hùng ở Hà Nam, khi biết tôi xây dựng trung tâm, em đang sinh hoạt ở Trung tâm khuyết tật tỉnh Hà Nam, một hôm em tìm đến, khóc và bảo: “U cho con được đến ở với u”. Hùng có một hoàn cảnh rất thương tâm, em bị liệt nửa người từ nhỏ, bố bỏ đi từ khi Hùng còn đỏ hỏn, mẹ cũng vá víu đời mình với một người đàn ông khác. Cha dượng hắt hủi và gửi em vào trung tâm khuyết tật tỉnh Hà Nam. Nghe hoàn cảnh của em, tôi đã đồng ý cho em vào ở với gia đình mình. Đến nay, trải qua mấy năm kiên trì học nghề, Hùng đã có thể bước đầu làm được những công việc thủ công đơn giản bước đầu kiếm được tiền để trang trải cho bản thân.”

Mỗi người đến với trung tâm Quỳnh Hoa đều có những hoàn cảnh và lí do riêng nhưng tất cả, đều chung một điểm là người khuyết tật, gia đình không thể nuôi (hoặc không muốn nuôi) đều được chị Hoa cưu mang và chăm sóc. Với quan điểm, “cho các con chiếc cần câu, không cho con cá”, chị và gia đình đã dạy các em tập làm những công việc thủ công, phù hợp với hoàn cảnh của bản thân mỗi người. Ban đầu là nghề may, làm hang mã, thêu đan… nhưng rồi một số em, vì qúa yếu sức không theo kịp chị lại mày mò tìm ra những hướng đi khác, phù hợp hơn cho các em.

Chi Hoa đang hướng dẫn các cháu làm bưu thiếp

“Cả ngày trời mày mò để chỉ làm một tấm bưu thiếp, nhưng khi thành công, nhiều em đã òa khóc vì biết rằng mình vẫn còn có ích, vẫn có thể lao động, dù rằng, công sá chẳng được bao nhiêu. Một chiếc bưu thiếp hoàn thiện, bán ra thị trường, các em cũng có mười lăm ngàn. Số tiền ít ỏi nhưng là động lực lớn giúp các em vững bước trong hành trình đi lên trong cuộc sống.

Vừa rồi, một công ty đã đặt vấn đề nhờ chúng tôi làm một số bưu thiếp cho dịp Trung thu sắp tới. Đó cũng là cơ hội để cho các cháu ở trung tâm có được cái tết thiếu nhi trọn vẹn hơn". Nhiều người dân ở Hữu Hòa vẫn bảo, phải có một sự từ tâm sâu thẳm như thế nào, người đàn bà ấy mới có thể chăm lo cho từng ấy đứa trẻ, từng ấy phận người một cách nghĩa tình và chu đáo đến vậy.

Nói chuyện này chị Hoa chỉ cười, chị bảo, điều quan trọng là chị thấy hạnh phúc và ấm áp với công việc mình đang làm. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, mình lành lặn khỏe mạnh đã là một may mắn, tại sao không thể giúp những người khuyết tật một điều gì đó. Làm những việc này, dù bộn bề những khó khăn, nhưng chị thấy lòng thanh thản, điều ấy, xét cho cùng, là quan trọng nhất, với chị….

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước