Toả sáng tấm gương cựu chiến binh vì trẻ tật nguyền

Văn Quân-Thứ tư, ngày 12/03/2014 17:52 GMT+7

Một câu chuyện như cổ tích giữa đời thường. Ấy là chuyện anh thương binh hạng 2/3 đã từng có lần phải đi ăn xin, nay trở thành ông chủ của hàng chục công nhân. Đặc biệt hơn, anh đã hết lòng, kiên trì dạy nghề cho nhiều em tật nguyền, câm điếc trở thành thợ chế tác vàng, bạc lành nghề.

Ai đã từng đến thành phố Yên Bái, hẳn biết đến một cửa hàng vàng đặc biệt - thợ toàn những thương binh, nạn nhân chất độc da cam. Thế nhưng họ lại khéo léo chế tác ra những hoa văn tinh xảo đến vô cùng. Và bạn sẽ hiếm khi gặp được người giám đốc Phan Tất Thành, vì anh còn mải ngược xuôi đi xây nhà tình nghĩa hoặc đi tìm kiếm con em của đồng đội đưa về giúp đỡ.

‘ Anh Phan Tất Thành

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, chàng trai Thành theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước xung phong lên đường nhập ngũ vào Binh chủng xe tăng thiết giáp của Bộ Tư lệnh. Tháng 3/1972, trong chiến dịch giải phóng thành Quảng Trị, anh bị thương vào đầu và chân nhưng vẫn cương quyết quay lại chiến trường chiến đấu tiếp. Năm 1974, anh lại bị thương nặng, không thể trở lại chiến trường, may mắn được mẹ Nguyễn Thị Mai (Quảng Trị) giúp đỡ và đưa ra Bắc cứu chữa.

Trên đường giao liên chuyển thương binh ra viện, Thành gặp cô y sĩ Nguyễn Thị Thu tận tình chăm sóc, yêu thương. Họ giao ước với nhau tới ngày giải phóng sẽ làm đám cưới.

Khó khăn nào cũng vượt qua

Hoà bình trở về, không muốn để Nhà nước nuôi, anh thương binh Thành cùng vợ con dắt díu nhau lên Lao Cai xây dựng vùng kinh tế mới. Mấy năm cuốc đất tóe máu tay, những nương ngô, nương sắn vừa lên xanh thì tiếng súng lại nổ nơi biên giới. Họ trở về Yên Bái với hai bàn tay trắng và lần hồi chạy ăn từng bữa. Nhà không có, lúc nằm ngủ bờ sông, khi ra nhà ga, bến xe, chợ tá túc. Những lúc ấy vết thương càng tái phát nặng hơn. Anh phải nhờ bà con địa phương giúp đỡ. Làm gì cho đỡ cơ cực? Câu hỏi luôn hằn trong suy nghĩ. Anh bèn mở cửa hàng kinh doanh tạp hoá. Thấy làm ăn được, anh cùng anh em chiến hữu mở cửa hàng điện tử.

Một lần anh mang bán đôi hoa tai kỷ niệm ngày cưới để thêm vốn làm ăn, tìm mãi mới thấy một hiệu kim hoàn, khách ra vào đông như mắc cửi. Một ý tưởng mới chợt lóe lên - tại sao mình không mở công ty chế tác vàng bạc? Thế rồi, anh mò mẫm học hỏi kinh nghiệm chế tác vàng, bạc, đá quý từ những nghệ nhân các tỉnh.

Khi ấy là năm 1994, lúc Thành đưa ra ý tưởng thành lập công ty kinh doanh kim hoàn thì gia đình, bạn bè không ít người can ngăn: đang đói kém thế này, sao lại kinh doanh thứ xa xỉ ấy. Nhưng Thành với bản chất người lính: Khó khăn nào cũng vượt qua, không có tiền thì… vay ngân hàng. Anh cùng anh em, con em cựu chiến binh mở Công ty TNHH thương bệnh binh và người tàn tật Thành Thu - Bảo Tín, chuyên sản xuất chế tác đá quý, vàng, bạc, đồng hồ… Ngày qua ngày, công ty ăn nên làm ra trông thấy.

Hết lòng vì trẻ khuyết tật

Xót xa cho số phận những đồng đội nghèo bị di chứng nặng nề của chiến tranh, anh bàn với vợ mở lớp học tình thương miễn phí dạy chế tác vàng bạc. Thành cùng anh em ngược xuôi về các xã, bản tìm anh em thương bệnh binh, các cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam, tàn tật, câm điếc, liệt tay, chân, mồ côi, động viên họ vào làm thợ của công ty.

Anh kiên nhẫn truyền nghề, đón các cháu về nuôi. Ban đầu anh phải đi thuê chỗ ở, dần dần xây dựng chỗ ăn ở cho các cháu. Suốt năm đầu mở lớp học dạy người khuyết tật bao vất vả mà vẫn thất bại, đã có lúc Thành muốn bỏ cuộc. Bởi dạy nghề cho người bình thường đã khó, dạy người khuyết tật, câm điếc càng khó hơn vì trở ngại về ngôn ngữ, trình độ…

Quyết tâm mấy cũng sẽ thành công. Được người giám đốc yêu thương, tận tâm truyền nghề, nhiều em bị chất độc da cam như cháu Hội, cháu Nam bị câm điếc… nay đã trưởng thành, chế tác được những hoa văn tinh xảo. Rồi cháu Hiên (xã Bảo Hưng) bị hỏng hai chân không đi lại được, quá buồn chán đã tự tử 3 lần. Khi anh đón Hiên về truyền nghề không ai nghĩ cháu làm được, tới lúc nhận được tháng lương đầu tiên, bố mẹ cháu khóc rưng rức vì xúc động không ngờ cháu có thể vươn lên trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Hiên coi anh như người cha thứ hai sinh ra cháu.

Và còn bao khó khăn trở ngại không thể kể hết bằng lời. Đến nay anh đã dạy thành nghề cho 160 cháu khuyết tật ở Yên Bái và các tỉnh. Hầu hết các em đã có cuộc sống ổn định bằng nghề kim hoàn. Một số em đã mở cửa hàng riêng.

Bùi ngùi anh kể mình vừa xây xong ngôi nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh Lương Thanh Xuân, dân tộc Tày (Yên bái) bị ảnh hưởng chất độc da cam, sinh ra 3 đứa con đều không có chân, cứ lăn lóc như củ khoai. Và anh nhận cả 3 cháu là con đỡ đầu, hàng năm về giúp đỡ họ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước