EVFTA - Cơ hội phụ thuộc vào từng doanh nghiệp

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 29/06/2019 12:23 GMT+7

VTV.vn - Làm thế nào để tận dụng cơ hội vàng trong thương mại khi EVFTA được ký kết sẽ là câu hỏi lớn dành cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngày 30/6, Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) dự kiến được ký kết sau 9 năm nỗ lực đàm phán của Việt Nam và Liên minh châu Âu. Có thể nói, EVFTA được cho là hiệp định tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam khi mức độ giảm thuế nhanh nhất và quy mô mặt hàng giảm thuế rộng nhất.

EVFTA loại bỏ 99% thuế hải quan cho hàng Việt Nam bên trong lộ trình 7 năm. Trong đó, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực: 85,6% số dòng thuế xuất khẩu từ Việt Nam qua EU về 0%. Ngược lại, 48,5% số dòng thuế xuất khẩu từ EU sang Việt Nam cũng được dỡ bỏ.

EVFTA - Cơ hội phụ thuộc vào từng doanh nghiệp - Ảnh 1.

Tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam đi EU phải kể đến điện thoại, chiếm tỷ trọng đến 30%. Thứ hai là dệt may, da giày khoảng 12 - 13% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tiếp đó là đồ điện tử, thủy sản.

Xét về hai mặt hàng dệt may và da giày có kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD sang EU, nhiều dòng thuế đã giảm ngay xuống 0%. Tuy nhiên, để tận dụng được ưu đãi thuế quan lý tưởng này, yếu tố then chốt là hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định. Đây là vấn đề lớn ngành da giày và dệt may cần giải quyết. Thuận lợi từ giảm thuế nhưng để hưởng lợi, các doanh nghiệp cần có kế hoạch dài hạn trong điều chỉnh chuỗi cung ứng các nguyên liệu đầu vào để tuân thủ các quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt.

EVFTA - Cơ hội phụ thuộc vào từng doanh nghiệp - Ảnh 2.

Tỷ trọng các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ EU.

Mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ EU chiếm tỷ trọng lớn nhất là máy móc thiết bị khi chiếm tới 28%, gần 1/3. Tiếp đó là dược phẩm với 12%. Các vật liệu may mặc, giày dép, sữa, thức ăn gia súc và hóa chất chiếm tổng cộng khoảng 1/5 tỷ trọng nhập khẩu. 

Về cơ bản, hàng hóa EU vào Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp gay gắt với hàng nội địa của  nhưng khi hàng hóa EU vào thị trường Việt Nam với mức thuế giảm dần về 0% cũng là áp lực không nhỏ với hàng nội địa.

Nhưng nhìn tổng thể về thương mại, dự kiến cả hai chiều xuất và nhập khẩu giữa hai bên sẽ chứng kiến một sự bứt phá sau khi EVFTA có hiệu lực. Kim ngạch nhập khẩu từ EU vào Việt Nam có thể tăng khoảng 15% vào năm 2020 và 37% vào năm 2030. Tuy nhiên, thứ được kỳ vọng còn nằm ở dòng vốn đầu tư từ châu Âu sẽ chảy vào Việt Nam nhờ tác động của Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư.

Sau khi ký kết, dự kiến sẽ mất một thời gian từ vài tháng đến nửa năm để Quốc hội hai bên phê duyệt và hai hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực. Khi đó, tại ASEAN, sau Singapore, chỉ có Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do với EU. Các nước bạn ASEAN sẽ mất thêm vài năm để kết thúc đàm phán với EU. 

Như vậy, Việt Nam đang có lợi thế "vàng" khi đi trước một bước để tiếp cận, thâm nhập và tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường EU trước khi phải cạnh tranh với hàng hóa tương tự từ các nước ASEAN. Tuy nhiên, liệu "thời gian vàng" đó có được tận dụng triệt để để bứt phá trong dài hạn hay không thì lại bài toán cần giải của mỗi doanh nghiệp ngay lúc này.

Cơ hội cho nông nghiệp từ EVFTA Cơ hội cho nông nghiệp từ EVFTA

VTV.vn - EVFTA chính thức được ký kết sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho ngành xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước