3.000 tỷ USD trong 3 năm có thể giúp thay đổi biến đổi khí hậu toàn cầu

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 19/06/2020 06:30 GMT+7

VTV.vn - Đây là nhận định được Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA đưa ra ngày 18/6 trong báo cáo thường niên về vấn đề này.

Dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm đến nay đã tạo ra 2 sự thay đổi lớn: một là phát thải Carbon trên thế giới giảm mạnh khi các nước thực hiện giãn cách xã hội, hai là các khoản chi tiêu ngân sách khổng lồ để ứng phó dịch và vực dậy kinh tế.

Cơ quan Năng lượng quốc tế đánh giá, đây là những yếu tố nền tảng để điều chỉnh kinh tế thế giới đi theo hướng phát triển bền vững, đáp ứng các mục tiêu về môi trường.

Theo IEA, nếu thế giới đầu tư mỗi năm 1.000 tỷ USD và liên tục trong vòng 3 năm, chỉ đến 2023, phát thải khí CO2 toàn cầu sẽ giảm được 4,5 tỷ tấn, tương đương 14% tổng lượng phát thải CO2 của năm 2019. Tổ chức này lạc quan cho rằng, đây là cơ hội chưa từng có để thế giới thực hiện các mục tiêu của thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris năm 2015.

3.000 tỷ USD trong 3 năm có thể giúp thay đổi biến đổi khí hậu toàn cầu - Ảnh 1.

1.000 tỷ USD tương đương 0,7% tổng GDP toàn cầu. Theo IEA, khoản đầu tư này có thể đến từ các nguồn lực cả nhà nước và tư nhân, quan trọng là chọn ra lĩnh vực ưu tiên. Tổ chức này cho rằng, các ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng, điện, giao thông, công nghệ, nên được quan tâm và tạo thêm nhiều việc làm. Đây đều là những lĩnh vực có liên hệ nhiều tới các vấn đề môi trường, do đó có thể đặt những thay đổi đáng kể về nền tảng nếu như yếu tố môi trường được quan tâm trong giai đoạn tái cơ cấu. Phân tích của Cơ quan Năng lượng quốc tế đưa ra vào thời điểm nhiều nước đang xem xét trọng tâm của các gói giải cứu kinh tế tiếp theo.

3.000 tỷ USD trong 3 năm có thể giúp thay đổi biến đổi khí hậu toàn cầu - Ảnh 2.

Mỗi thời điểm bất thường của thế giới, đều cho thấy các biến đổi liên quan đến môi trường hay vấn đề phát thải. Cơ quan Năng lượng quốc tế lấy cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 làm ví dụ để minh chứng, nếu các cú shock về kinh tế không dẫn đến các thay đổi căn bản về hệ thống, sẽ rất khó để có một sự cải tổ theo hướng phát triển bền vững.

Năm 2009 giữa khủng hoảng tài chính, phát thải khí CO2 giảm 400 triệu tấn nhưng chỉ sau đó 1 năm lại tăng vọt 1,7 tỷ tấn trong năm 2010 và tăng tiếp những năm sau đó. Một số giai đoạn biến động khác trước đó cũng cho thấy hiện tượng tương tự.

Các chuyên gia đánh giá, ở vào thời điểm này, một sự lặp lại hiện tượng trên là điều quá sức chịu đựng với môi trường. Nếu không có sự điều chỉnh căn bản về hệ thống trong giai đoạn hiện nay, thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội có thể chuyển đổi phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước