Sự trở lại của nước Mỹ, hợp tác với các đồng minh - thay đổi hoàn toàn chính sách đối ngoại của Mỹ
"Nước Mỹ trở lại" là khẩu hiệu ẩn xuyên suốt chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ cuối tuần trước tới giữa tuần này. "Trở lại" ở đây là trở lại liên kết với đồng minh, hợp tác đa phương. Dường như chuyến đi này của ông Biden chỉ có nhiệm vụ bao trùm duy nhất này, lật ngược toàn bộ chính sách "Nước Mỹ trên hết", chỉ biết có mình mình của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.
Từ Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu G7 cho đến hội nghị của tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau đó là Hội nghị thượng đỉnh với Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Mỹ Joe Biden luôn nhắc đi nhắc lại rằng, nước Mỹ sẽ lại là một đồng minh đáng tin cậy, biết làm phần việc của mình trong liên kết với các đồng minh khắp thế giới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Hội nghị thượng đỉnh G7. (Ảnh: AP)
Thậm chí, ông Biden còn nói rõ rằng, nước Mỹ không chỉ trở lại như một thành viên mà là trở lại để lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không quên nhấn mạnh, các đồng minh đóng vai trò then chốt trong việc phối hợp để đảm bảo an ninh của Mỹ.
Các nước đồng minh ở châu Âu hoan nghênh thông điệp "Nước Mỹ trở lại" của Tổng thống Biden. Tuy nhên, châu Âu vẫn không khỏi giữ chút dè chừng sau "sang chấn tâm lý" của 4 năm liên tục chứng kiến các quyết định đơn phương trước đây của Mỹ, nên luôn nghi ngờ về đường hướng lâu dài của Washington. Bên cạnh đó, việc Tổng thống Mỹ Biden luôn tuyên bố cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc là vấn đề lớn nhất của thế kỷ 21 cũng khiến các nước phương Tây băn khoăn: Mỹ sẽ đối phó một cách cụ thể với Nga như thế nào?
Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Hạ nhiệt căng thẳng vào thời điểm quan hệ trượt xuống mức tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Lạnh
Cuộc gặp thượng đỉnh ven hồ ở Geneve, Thụy Sĩ vào ngày 16/6 giữa hai nguyên thủ của Mỹ và Nga kéo dài 3 tiếng đồng hồ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên rằng, cuộc đối thoại đã diễn ra rất căng thẳng và hai bên tập trung vào các "chi tiết cụ thể".
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi ông Biden là một đối tác có nguyên tắc và xây dựng, và nói rằng, "cả hai bên đều thể hiện mong muốn hiểu nhau", nhưng cũng nói thêm rằng không có tình hữu nghị, thay vào đó là một cuộc đối thoại thực dụng về lợi ích của hai nước.
Tổng thống Biden và Tổng thống Putin tại Geneve, Thụy Sĩ vào ngày 16/6. (Ảnh: AP)
Vaccine Novavax có hiệu quả trên 90% với các biến thể, có thể "thay đổi cuộc chơi" chống lại các biến chủng nguy hiểm
Dư luận đã ngay lập tức quan tâm tới thông tin trong tuần này từ Novavax khi hãng dược của Mỹ này thông báo, vaccine phòng COVID-19 của họ đạt hiệu quả khoảng 90,4%, đáng chú ý nhất là bao gồm cả đối với các biến thể mới. Bên cạnh đó, một ưu điểm của vaccine Novavax là có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8°C, do đó việc phân phối cũng dễ dàng hơn. Vì vậy, vaccine Novavax được kỳ vọng sẽ giúp tăng nguồn cung vaccine hiệu quả ở các nước đang phát triển, tất nhiên là sau khi nó được hoàn thiện và cấp phép.
Vaccine Novavax có hiệu quả trên 90% với các biến thể. (Ảnh: AP)
Khi các ngôi sao thẳng thừng phản đối sản phẩm tài trợ tại giải Euro 2020
Một hành động giữa nơi tập trung sự chú ý của truyền thông có thể khiến tư duy của cả một ngành phải thay đổi, đó là hành động của CR7 và Pogba thẳng thừng phản đối các nhãn hàng tài trợ tại giải Euro 2020
Đã đồng hành với tư cách nhà tài trợ của Euro trong hơn 30 năm qua, Coca-Cola chắn chắn chẳng bao giờ nghĩ sẽ có lúc lại xảy ra chuyện này. Chi không ít tiền để được quảng bá hình ảnh cùng giải đấu, nhưng hành động của Ronaldo đã làm giá cổ phiếu của Coca-Cola có thời điểm mất 1,6% giá trị, làm bốc hơi 4 tỉ USD vốn hóa.
Trong ngày 17/6, Manuel Locatelli, ngôi sao của đội tuyển Italy, cũng đã học theo Ronaldo, hành động giống như vậy. Và Coca-Cola đã phải nhận 2 "bàn thua".
Ronaldo và Pogba khiến nhiều hãng đồ uống dè dặt nếu muốn tài trợ các giải thể thao. (Ảnh: Twitter)
"Vận đen" không chỉ đến với Coca-Cola mà còn cả Heineken, khi tiền vệ Pobga của tuyển Pháp cũng có hành động gần giống như vậy - bỏ chai bia Heineken xuống đất, ra khỏi khung hình của các phóng viên. Hiển nhiên, cổ phiếu của Heineken cũng có chút "rung lắc" sau sự kiện này.
Mỗi cầu thủ có một lý do riêng cho hành động của mình. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là những người làm tiếp thị và quảng cáo trong các sự kiện thể thao sẽ phải thay đổi tư duy.
Mặc dù Liên đoàn Bóng đá châu Âu đã cảnh báo sẽ phạt các đội bóng nếu cầu thủ của họ không tuân thủ nghĩa vụ với các nhà tài trợ, nhưng sự nhạy cảm kinh doanh và sáng tạo của những người làm trong ngành tiếp thị và quảng cáo không thể chờ sự bênh vực của đối tác. Rất có thể chính những sự kiện bất ngờ như thế này lại giúp các nhãn hàng phát kiến ra cách tiếp cận mới, "đánh trúng" hơn vào khán giả và khách hàng tiềm năng của họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!