Lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ vài giờ sau khi lực lượng quân đội Bangladesh lên nắm quyền sau khi cựu Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi nước này bằng máy bay trực thăng.
"Các văn phòng, nhà máy, trường học, trường cao đẳng… sẽ được mở cửa" từ 6h00 thứ Ba (0h GMT) - quân đội Bangladesh thông báo.
Trước đó, Tổng Tư lệnh quân đội Bangladesh, Tướng Waker-Uz-Zaman, phát biểu trong một chương trình trên sóng truyền hình quốc gia rằng Thủ tướng Hasina đã từ chức và quân đội sẽ thành lập một chính phủ lâm thời. "Đất nước đã chịu nhiều tổn thất, nền kinh tế bị ảnh hưởng, rất nhiều đã thiệt mạng - đã đến lúc chấm dứt bạo lực" - Tướng Waker tuyên bố ngay sau khi đám đông xông vào dinh thự của Thủ tướng Hasina.
Những người biểu tình chống chính phủ cố gắng phá hoại bức tượng của Sheikh Mujibur Rahman - người sáng lập ra đất nước Bangladesh - tại Dhaka ngày 5/8/2024 (Ảnh: AFP)
Cảnh sát cho biết ít nhất 66 người đã thiệt mạng hôm 5/8 khi hàng triệu người xuống đường biểu tình trên khắp Bangladesh. Đám đông vẫy cờ, một số người còn nhảy múa trên nóc xe tăng trước khi hàng nghìn người lao vào dinh thự của Thủ tướng Hasina. Những người khác thì xông vào tòa nhà quốc hội. Đám đông cướp bóc, tạo nên tình cảnh hỗn loạn ở Bangladesh.
Tổng thống và Tổng Tư lệnh quân đội Bangladesh đã họp vào cuối ngày 5/8 cùng một số quan chức để quyết định thành lập chính phủ lâm thời ngay lập tức. Bà Hasina tuyên bố từ chức và rời khỏi đất nước bằng trực thăng quân sự.
Những người biểu tình chống chính phủ giương cao quốc kỳ Bangladesh khi họ xông vào dinh thự của Thủ tướng Sheikh Hasina ở Dhaka, ngày 5/8/2024 (Ảnh: AFP)
Trong diễn biến khác, Ấn Độ đã tăng cường an ninh xung quanh biên giới khi bà Hasina đáp máy bay xuống sân bay Hindon ở Ghaziabad ngày 5/8. Cùng ngày, một số bang Đông Bắc giáp giới với Bangladesh cũng áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh. Phó Thủ hiến bang Meghalaya cho biết bang này đã áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm dọc biên giới với Bangladesh.
Trong khi đó, chính quyền bang Assam cũng đưa ra "cảnh báo cao" cho tất cả các huyện có chung biên giới với nước láng giềng. Ngoài ra, khu vực biên giới Ấn Độ - Bangladesh ở bang Tây Bengal cũng đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Trước đó cùng ngày, Thủ hiến bang Tây Bengal - bà Mamata Banerjee - đã kêu gọi người dân trong bang duy trì hòa bình và tránh khiêu khích.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!