Bão giá thời lạm phát và "đơn thuốc" ứng phó của các nước

Chuyển động 24h-Thứ năm, ngày 23/06/2022 12:03 GMT+7

VTV.vn - Thu nhập không tăng, thậm chí giảm, nhưng giá thực phẩm, thuốc men, điện nước, nhiên liệu... tăng mỗi ngày, khiến người dân phải xoay xở chi tiêu trong bối cảnh lạm phát.

Lạm phát tại Mỹ ở mức cao nhất trong 40 năm qua. Chi phí sinh hoạt tại Anh tăng nhanh nhất trong vòng 30 năm. Giá cả hàng hóa tăng phi mã đang tạo áp lực lên hầu bao của người tiêu dùng. Chính phủ và người dân các nước đang phải ứng phó với cơn bão giá.

Xăng dầu là chi phí đầu vào của hầu hết ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ, nên việc xăng tăng giá có tác động rất lớn đến mặt bằng giá cả thị trường. Trong một năm trở lại đây, giá dầu thô đã tăng khoảng 50%, than đá tăng tới 200% và đang ở mức đỉnh lịch sử. Nguyên liệu đầu vào tăng vọt kéo chi phí sản xuất điện lên cao. Hàng loạt quốc gia đã đưa ra những biện pháp thắt chặt sử dụng năng lượng và kêu gọi người dân sử dụng tiết kiệm điện.

"Đơn thuốc" thời bão giá, lạm phát của các nước

Australia hối thúc người dân tiết kiệm điện

Australia đang đối mặt với nguy cơ phải cắt điện luân phiên, nhất là tại thành phố Sydney. Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu và Năng lượng Australia đã hối thúc các hộ gia đình tại thành phố này tắt bớt đèn vào buổi tối để giảm thiểu nguy cơ lưới điện bị quá tải và gây mất điện. Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese đang tìm mọi cách để giải quyết câu chuyện thiếu hụt năng lượng như một vấn đề ưu tiên hàng đầu.

Sri Lanka đóng cửa trường học, văn phòng để tiết kiệm nhiên liệu

Cụ thể, từ ngày 20/6, Chính phủ Sri Lanka đã đóng cửa trường học và tạm dừng tất cả dịch vụ chính phủ không thiết yếu. Đây là một phần trong các biện pháp nhằm cắt giảm việc đi lại và tiết kiệm xăng dầu. Tất cả trường học đã đóng cửa và chỉ những nhân viên chủ chốt đi làm trong các văn phòng chính phủ. Lệnh đóng cửa trường học và các dịch vụ chính phủ thiết yếu tại Sri Lanka sẽ kéo dài trong hai tuần. Bệnh viện và cảng biển chính của Colombo, thành phố lớn nhất ở Sri Lanka, vẫn hoạt động. Trong vài tháng nay, người dân Sri Lanka thường xuyên chịu cảnh mất điện sinh hoạt 13 giờ mỗi ngày.

Bangladesh đóng cửa khu mua sắm vào buổi tối

Tại Nam Á, Thủ tướng Bangladesh đã yêu cầu tất cả các khu mua sắm, khu chợ và một số cửa hàng, cửa hiệu trên cả nước phải đóng cửa sau 20h hàng ngày trong một nỗ lực tiết kiệm điện. Văn phòng Thủ tướng nước này yêu cầu, các Bộ và cơ quan hữu quan về an ninh công cộng, thương mại, điện và năng lượng thực thi nghiêm ngặt sắc lệnh trên.

Nhật Bản ra cẩm nang hướng dẫn tiết kiệm điện

Ở Đông Bắc Á, quốc gia có nền kinh tế phát triển là Nhật Bản cũng phải đối mặt với bài toán khủng hoảng năng lượng.

Trong tài liệu hướng dẫn người dân tiết kiệm điện nằm trong Bộ tiêu chuẩn tiết kiệm điện, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã công bố mức tiêu thụ điện cụ thể của từng thiết bị điện thông dụng như điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, lò vi sóng hay bóng đèn, đồng thời đưa ra các khuyến nghị đối với người dân để thực hiện tiết kiệm điện hàng ngày (như chỉ nên bật điều hòa không khí ở 28°C vào mùa hè và 20°C trong mùa đông, tắt chức năng giữ ấm của nồi cơm điện, điều chỉnh mức độ làm lạnh và làm mát của tủ lạnh và giảm thời gian sử dụng máy tính hay tivi 1 giờ mỗi ngày).

Bão giá thời lạm phát và đơn thuốc ứng phó của các nước - Ảnh 1.

Sử dụng đèn LED thay cho đèn chiếu sáng thông thường tại một văn phòng ở Tokyo, Nhật Bản nhằm tiết kiệm năng lượng. (Ảnh: Bloomberg)

Chính phủ Nhật Bản và các công ty điện lực kêu gọi người dân thực hiện hướng dẫn tiết kiệm điện nếu điều này không gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ, đồng thời có biện pháp hỗ trợ tài chính đối với các nỗ lực tiết kiệm điện, mức hỗ trợ sẽ tùy vào lượng điện tiết kiệm. Cơ quan chính phủ sẽ là nơi tiên phong thực hiện bằng cách tuân thủ hướng dẫn về nhiệt độ phòng, tắt các máy tính không sử dụng và hạn chế số lượng đèn chiếu sáng.

Người dân xoay xử thời kỳ bão giá

Các chính phủ đã đưa ra những khuyến cáo cho người dân nên làm thế nào để tiết kiệm trong thời kỳ bão giá này, trong khi người tiêu dùng đang phải "cân đo đong đếm" từng đồng và xoay xở theo những cách riêng để tiết kiệm chi tiêu.

Giải quyết bài toán lạm phát là vấn đề lâu dài của các chính phủ, nhưng trước mắt người dân nhiều nước sẽ tìm đến giải pháp thắt chặt chi tiêu hơn nữa, thay đổi thói quen mua sắm để tránh cảnh "ăn bữa nay, lo bữa mai".

Nhiều chuyên gia dự báo rằng giá xăng dầu còn neo ở mức cao trong ít nhất 6 tháng cuối năm nay. Và chắc chắn việc thay đổi lối sống để thích nghi với mặt bằng chi phí cao là vô cùng cần thiết.

Lạm phát tháng 5 ở Anh lên mức kỷ lục trong 40 năm, cao nhất trong G7 Lạm phát tháng 5 ở Anh lên mức kỷ lục trong 40 năm, cao nhất trong G7 Lạm phát sẽ không giảm xuống mức mục tiêu 2% trong hai năm tới Lạm phát sẽ không giảm xuống mức mục tiêu 2% trong hai năm tới Người Đức tư duy lại chuyện di chuyển thời lạm phát Người Đức tư duy lại chuyện di chuyển thời lạm phát

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước